Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM cho biết hiện nay có đến hơn 31.700 giấy phép lái xe (GPLX) của người dân đang “ngủ quên” nơi đây mà không có người đến nhận về.
Bị xử lý vi phạm rồi… bỏ luôn
Các GPLX này bị tồn ở đây thuộc hai trường hợp: Bị tạm giữ để đảm bảo thực hiện quyết định xử phạt và bị tước do vi phạm.
Theo đại diện Phòng PC08, một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm bỏ lại GPLX là do họ vi phạm các lỗi có mức phạt tiền cao, thậm chí cao hơn nhiều so với chi phí cấp mới giấy phép.
Trên thực tế, hiện nay người dân bị tạm giữ GPLX ở tỉnh này vẫn có thể đến tỉnh khác để đăng ký thi sát hạch lấy giấy phép mới nên rất khó quản lý.
Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó trưởng Phòng PC08, cho biết từ năm 2014, đối với trường hợp vi phạm đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà quá thời hạn không chịu đến giải quyết thì Phòng PC08 đều đã gửi thông báo về Sở GTVT nơi đã cấp GPLX cho đối tượng đểphối hợp xửlý. Mục đích là khi người vi phạm đến Sở GTVT đề nghị cấp lại GPLX mới thì Sở GTVT sẽ thông báo nội dung vi phạm, đồng thời yêu cầu người vi phạm quay về Phòng PC08 để chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, trong năm 2018, phòng đã gửi hơn 15.600 thông báo; còn ba tháng đầu năm 2019, phòng đã gửi hơn 5.200 thông báo đến các sở GTVT để phối hợp.
“Việc thông báo phối hợp với Sở GTVT mang lại hiệu quả rất lớn trong việc ngăn chặn người vi phạm bỏ lại GPLX đang bị tạm giữ để thi lấy GPLX mới. Vì rất nhiều trường hợp vi phạm đã làm đơn cớ mất, đề nghị Sở GTVT cấp lại nhưng khi kiểm tra thì phát hiện và được Sở GTVT đề nghị về phòng thực hiện quyết định xử phạt để nhận lại GPLX” - Trung tá Sơn khẳng định.
Đội CSGT An Lạc, Phòng PC08 kiểm tra số GPLX bị người vi phạm “bỏ quên”. Ảnh: LÊ THOA
Khai gian để cấp mới: Bị cấm cấp trong năm năm
Theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT, “sau thời gian hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại GPLX”.
“Do vậy, việc gửi thông báo phối hợp đến Sở GTVT thực tế có tác dụng ngăn chặn người vi phạm cố tình báo mất để xin cấp mới GPLX bị tạm giữ” - Trung tá Sơn khẳng định.
Mặt khác, Thông tư 12 này cũng quy định người sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới GPLX thì ngoài việc bị cơ quan quản lý GPLX ra quyết định thu hồi GPLX, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống GPLX còn không được cấp GPLX trong thời hạn năm năm. “Chế tài này rất nặng, ảnh hưởng rất lớn đến nghề nghiệp tài xế nếu bị phát hiện khai báo gian dối để xin cấp lại giấy phép” - Trung tá Sơn nhìn nhận.
Sẽ có dữ liệu lưu trữ để nhận diện khai báo gian dối Trung tá Nguyễn Trọng Sơn, Phó trưởng Phòng PC08, cho hay tại cuộc họp báo quý I của Bộ Công an tháng 3-2019, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết Bộ Công an và Bộ GTVT đã thống nhất và giao các đơn vị xây dựng cách thức cụ thể trong việc chia sẻ dữ liệu tài xế vi phạm giao thông và GPLX bị tạm giữ.
Khi có kết nối thì những vi phạm của tài xế sẽ được các đơn vị tổng hợp, gửi đến Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT các địa phương hằng ngày. Các đơn vị thuộc Bộ GTVT sẽ nhập lên hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý. Trường hợp nào vi phạm đã bị tước GPLX mà cố tình báo mất để làm lại thì sẽ không được cấp mới. Phó trưởng Phòng PC08 nói thêm: “Khi Bộ Công an và Bộ GTVT có chủ trương triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý GPLX và dữ liệu giấy phép bị tạm giữ, tước quyền sử dụng theo quy định pháp luật, chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện ngay. Tránh tình trạng người vi phạm bỏ lại giấy phép đang tạm giữ, khai báo gian dối để thi lấy giấy phép mới”. |