Trên số trước chúng tôi phản ánh người dân xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) tố cáo Công ty TNHH Tuấn Cát Lộc công khai hút cát ở khu vực hồ thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi và cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đang làm rõ.
Người dân cũng tố là công ty này phá rừng ở đồi Kumagai, xã Đa Mi, trong diện tích đất mà công ty này đang lập dự án.
Rừng tan nát
Ngọn đồi này vốn không tên nhưng từ khi Công ty Kumagai Gumi của Nhật Bản đến thi công các công trình thủy điện ở đây thì đồi thường được gọi là Kumagai.
Vừa lên khỏi đầu dốc, chúng tôi chứng kiến vô số cây rừng lớn nhỏ bị triệt hạ trắng. Những cây nhỏ bị đốn hạ bằng rựa, còn cây rừng có đường kính từ 15 cm trở lên bị đốn bằng cưa máy.
T., người dẫn đường chém lưỡi rựa xuống bụi cỏ tranh, nói: Tôi vừa lội nát khu rừng, có hơn 5 ha đã bị triệt hạ. “Trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, họ tập trung khá đông người và chặt phá vô tội vạ sau đó rút đi” - T. cung cấp.
Những người phá rừng hạ gỗ nhưng không mang ra khỏi hiện trường mà xịt sơn đánh dấu giữa khu vực rừng bị phá và ranh giới của tiểu khu 181A thuộc địa phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi!
Bằng mắt thường cũng có thể xác định đây là vị trí rất trọng yếu, bảo vệ thân đập phía dưới. Nếu rừng không còn, nguy cơ sạt lở đất vào mùa mưa ảnh hưởng đến đập thủy điện, chưa kể những cơn lũ quét tai họa ập xuống hạ nguồn.
Hiện trường vụ phá rừng chỉ cách trụ sở UBND xã Đa Mi chừng 1 km, nằm trong diện tích mà Công ty Tuấn Cát Lợi đang xin lập dự án trồng cây ăn quả.
Hiện trường vụ phá rừng trên đồi Kumagai. Ảnh: P.NAM
Chưa cấp phép, rừng đã bị hạ
Theo hồ sơ mà chúng tôi có được, Công ty Tuấn Cát Lợi xin làm dự án trồng cây lâu năm và khoanh nuôi bảo vệ rừng tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc với diện tích hơn 60 ha.
Ngày 16-4, tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát, đánh giá kỹ, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án vì khu vực có rừng tự nhiên.
Tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn Công ty Tuấn Cát Lợi tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trên khu đất dự án; làm rõ diện tích, trữ lượng rừng và đối chiếu tiêu chí quy định để xác định có rừng hay không. Nếu có rừng tự nhiên, phải tổ chức khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, nghiêm cấm tác động. Huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp kiểm tra thống kê diện tích đất bị dân lấn chiếm…, có phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đến ngày 27-4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản hướng dẫn gửi công ty, đề nghị hợp đồng với đơn vị tư vấn chuyên ngành điều tra, đánh giá hiện trạng rừng trên khu đất dự án. Vì qua đánh giá sơ bộ, có 17 ha là đất có rừng tự nhiên phục hồi, phải tổ chức khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ, nghiêm cấm tác động.
Chỉ vài ngày sau khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh có văn bản hướng dẫn, khu vực rừng này bị triệt hạ.
Nhiều người dân xã Đa Mi cho hay đây là cách phá rừng để làm giảm diện tích rừng tự nhiên cần khoanh nuôi. Họ cho rằng công ty đã làm điều này. Trong khi đó, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Tuấn Cát Lợi, khẳng định mình không chỉ đạo phá rừng. “Người dân địa phương đã phá rừng với mục đích để được bồi thuòng khi dự án của tôi triển khai. Tôi đã ghi hình ảnh toàn bộ những người dân phá rừng rồi” - ông Anh nói.
Rừng bị phá và cơ quan chức năng đang làm rõ thủ phạm.
Củng cố hồ sơ khởi tố vụ án Theo nguồn tin của chúng tôi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gửi hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc, yêu cầu củng cố hồ sơ khởi tố vụ án hình sự vụ phá hơn 5,6 ha rừng tại đồi Kumagai. Với 120 cây gỗ rừng có khối lượng 10,38 m3 tại hiện trường, Hạt Kiểm lâm huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận-Đa Mi và chính quyền địa phương thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng theo quy định. |