Sau 9 tháng đầu năm, Hà Nội đã trải qua 2 giai đoạn phòng, chống dịch, trong đó căng thẳng nhất là 4 đợt dãn cách nghiêm ngặt, kéo dài liên tục 60 ngày, từ cuối tháng 7 đến nay. Sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đã bị đình trệ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Cơ hội đón đầu để hồi phục kinh tế
Những con số thống kê đến thời điểm này cho thấy rõ điều đó: GRDP quý III của thành phố tăng trưởng âm 7,02% so cùng kỳ, trong đó nhóm dịch vụ giảm 8,18% và công nghiệp - xây dựng giảm 6,76%.
Hà Nội đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông để tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư
Trong thời gian dãn cách, cùng với các chính sách an sinh, Hà Nội đã tranh thủ nguồn vaccine được phân bổ, đẩy nhanh việc tiêm phủ đến thời điểm này đạt hơn 6,9 triệu mũi, cho 96,3% người dân trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm ít nhất một mũi. Cùng với các giải pháp quyết liệt phòng ngừa, truy vết, đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, đời sống và sản xuất kinh doanh đang hoạt động trở lại.
Các chỉ số mới nhất đang phát đi tín hiệu khởi sắc.
Theo Sở KHĐT Hà Nội, từ khi thành phố mở trở lại việc tiếp nhận hồ sơ một cửa, ngày 21-9 đến nay, đầu mối này đã tiếp nhận và và xử lý 416 lượt hồ sơ một cửa thuộc lĩnh vực đầu tư nước ngoài - bằng 65,9% tổng số hồ sơ từ đầu năm.
Trong đó, với 278 hồ sơ vốn thì tổng giá trị đăng ký đạt khoảng 340 triệu USD - bằng 40,9% tổng vốn đầu tư thu hút 9 tháng đầu năm, bao gồm đăng ký dự án mới, dự án tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần. Kết quả đó đã nâng tổng số vốn thu hút FDI năm 2021, đến nay khoảng 1.200 triệu USD.
Hiện nay, Sở KHĐT đang tập trung hỗ trợ và giải quyết tối đa các hồ sơ và đề nghị của nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần rút ngắn thời gian giải quyết và hướng dẫn tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc cho nhà đầu tư.
“Đại dịch làm tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhưng (những chỉ dấu trên - PV) cũng minh chứng tính bền vững và khẳng định khả năng phục hồi nhanh của kinh tế Thủ đô” - báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu.
Hơn 500 doanh nghiệp FDI gửi đề xuất kiến nghị đến Hà Nội
Để khẩn trương tiếp nhận kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lãnh đạo Hà Nội đã giao cho Sở KHĐT lên kế hoạch tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp.
Trao đổi với Pháp Luật TPHCM ngày 14-10, Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, cho biết: “Trước mắt lãnh đạo TP sẽ gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp FDI, dự kiến ngày 19-10 tới. Sau đó, sẽ tổ chức tiếp một hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong nước”.
Theo kế hoạch này, cuộc đối thoại sẽ được tổ chức tại hội trường Thành uỷ Hà Nội. Ngoài các nhà đầu tư, doanh nghiệp, cuộc đối thoại sẽ có cả đại diện các đại sứ quán, cơ quan tam tán thương mại, văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội...
Cho đến nay, Sở KHĐT Hà Nội đã trao đổi, nắm bắt thông tin, đã nhận được nhiều đề xuất, kiến nghị đến từ hơn 500 doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Các đề xuất, kiến nghị không chỉ với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hà Nội mà cả Chính phủ, chủ yếu tập trung đến các nội dung thuế, bảo hiểm xã hội, vaccine, cấp và gia hạn giấy phép lao động của chuyên gia và người lao động nước ngoài, hạn chế xuất nhập cảnh và đi lại, thực hiện quy định phòng chống dịch và một số vấn đề y tế của doanh nghiệp.
Tất cả đã được Sở KHĐT tổng hợp, báo cáo Thành uỷ, UBND Hà Nội và các cơ quan chức năng để có thể trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị. Với các nội dung vượt thẩm quyền, TP sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ và các bộ ngành.
Cùng với cả nước, Hà Nội đang triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, ban hành Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Trong tinh thần ấy, thành phố đang chào đón các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực trọng tâm.
Tiêu chí kêu gọi đầu tư, theo Sở KHĐT là hướng vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với xu hướng phát triển chung, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của các tỉnh, thành phố trong vùng;
Là các dự án có công nghệ tiên tiến, khuyến khích đổi mới sáng tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo có tính lan tỏa và có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, nước sạch, y tế - giáo dục, giao thông, công viên - khu vui chơi giải trí;
Hà Nội khuyến khích nhà đầu tư có định hướng hoạt động lâu dài, chuyển giao sâu về công nghệ và kinh nghiệm, trình độ quản lý.
Đẩy mạnh liên kết vùng, khép kín hệ thống đường vành đai Để tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn, thu hút đầu tư sau đại dịch, Hà Nội đang đẩy mạnh liên kết vùng thông qua các cơ chế, chính sách và phối hợp đầu tư phát triển hạ tầng, mà khép kín hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm trọng yếu là một ưu tiên. Cùng với đó là xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Thành phố cũng đang cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn; xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, xây dựng, ưu đãi thu hút đầu tư; cải cách căn bản về thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với nâng cao chất lượng an sinh xã hội cũng là một phần giải pháp tạo môi trường lành mạnh, phát triển bền vững. |