Báo cáo cũng cho thấy tai nạn giao thông chiếm số lượng nhiều nhất với gần 29.790 trường hợp. Kế đến là té ngã (trên 28.000 trường hợp); hóc dị vật, sét đánh, vật nặng và máy móc đè (gần 11.000 trường hợp); tai nạn lao động (hơn 9.000 trường hợp)…
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng phải tìm ra được những yếu tố nguy cơ gây ra tai nạn thương tích để phòng tránh.
Nhân viên cấp cứu 115 TP.HCM đang sơ cứu nạn nhân bị trụ điện đè. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Điển hình là tai nạn thương tích ở người cao tuổi. Những người trong độ tuổi này rất dễ té ngã và một khi đã ngã là gãy tay, gãy chân. Do vậy, cộng tác viên trong mạng lưới phòng, chống tai nạn thương tích cần hướng dẫn cộng đồng cách chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể là luôn phải có người khỏe mạnh đi theo, cho người cao tuổi sử dụng những loại gậy hỗ trợ…” - BS Hưng nói.
Cũng theo BS Hưng, hóc dị vật cũng dễ xảy ra ở nhóm trẻ em và cần được cấp cứu kịp thời để không gây nghẹt đường thở. Nếu đưa trẻ đến cơ sở y tế để lấy dị vật sẽ tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Vì vậy, rất cần cộng tác viên trong mạng lưới phòng, chống tai nạn thương tích hướng dẫn các bậc phụ huynh cách sơ cứu trẻ hóc dị vật.
Ngoài ra, BS Hưng cho rằng Ban Chủ nhiệm chương trình phòng, chống tai nạn thương tích nên phối hợp với UBND địa phương tập huấn tất cả phương pháp sơ cấp cứu trong cộng đồng.