Chiều 17-10, tại cuộc họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tư Quốc hội (QH) khóa XV, báo chí nêu vấn đề bức xúc của người dân về điều hành xăng dầu và các đại án xảy ra trong thời gian qua.
Xảy ra biến động xăng dầu là do công tác điều hành
Báo giới đặt vấn đề xăng dầu trong thời gian qua rất nóng khi xảy ra tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa hay bán cầm chừng, chỉ bán 30.000-50.000 đồng cho mỗi người dân. Theo các nhà phân phối, nguyên nhân được xác định một phần do vấn đề chiết khấu.
“Với trách nhiệm là cơ quan dân cử, QH đã và sẽ có ý kiến thế nào với Chính phủ, các cơ quan chức năng để giải quyết câu chuyện này? Hiện Chính phủ đã trình QH phương án xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu chưa?” - báo giới đặt câu hỏi.
Buổi họp báo chiều 17-10, trước phiên khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV. Ảnh: ĐỨC MINH |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Minh Sơn trả lời trong thời gian qua, vấn đề xăng dầu gây ra nhiều bức xúc, khi đi tiếp xúc cử tri, các đại biểu QH cũng nhận được nhiều ý kiến về việc này. Theo ông Sơn, vừa qua giá xăng dầu thế giới biến động với biên độ lớn, trong khi chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước chưa phù hợp với giá thế giới.
“Đây là vấn đề thuộc điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lại cơ chế điều hành giá bán lẻ một cách hợp lý hơn để đảm bảo lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, xuất nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu” - ông Sơn nói.
Liên quan đến việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của xăng dầu, theo ông Sơn, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ QH đã đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu về các loại thuế này với xăng dầu, báo cáo QH xem xét khi giá xăng dầu tăng cao.
Đến nay, Chính phủ chưa có tờ trình báo cáo QH về nội dung này. “Khi Chính phủ có tờ trình, các cơ quan của QH sẽ xem xét thẩm tra, trình QH tại kỳ họp sớm nhất” - ông Sơn nói.
Ngoài ra, theo ông Sơn, báo cáo thẩm tra báo cáo Chính phủ về kinh tế - xã hội cũng đề cập đến vấn đề giá xăng dầu thời gian qua và sắp tới sẽ trình QH tại kỳ họp thứ tư.
Tăng lương Nhà nước hơn 20%
Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội QH Nguyễn Hoàng Mai cho hay vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở. Chính phủ đang trình QH điều chỉnh mức lương cơ sở để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8%.
Cạnh đó sẽ tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ cho người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
“Việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ ngày 1-7-2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ ngày 1-1-2023” - ông Mai thông tin.
Hoạt động của SCB được kiểm soát, tiền gửi của dân
được đảm bảo
Báo giới cũng đặt ra các câu hỏi liên quan đến vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng những vụ việc khác liên quan tới thị trường trái phiếu, chứng khoán…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn trả lời đến nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án liên quan đến lừa đảo tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan.
“Thời gian gần đây, vấn đề này làm cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội hơi xáo trộn. Qua phản ánh của báo chí, những ngày đầu người dân đã kéo nhau đi rút tiền ở Ngân hàng SCB. Đến nay, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì “tình hình đã lắng đọng”” - ông Sơn đánh giá và cho rằng qua buổi họp báo hôm nay, mong báo chí phản ánh đến người dân, các doanh nghiệp yên tâm vì việc kiểm soát các vấn đề, hoạt động của ngân hàng đã được triển khai theo hướng phải đảm bảo cho người gửi tiền.
“Liên quan việc xử lý đại án Việt Á trong thời gian vừa qua, xin cho biết quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH về vấn đề này?” - báo giới đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết Ủy ban Xã hội cho rằng trong hoàn cảnh “chống dịch như chống giặc”, tình huống rất cấp bách thì nhiều việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi nên quá trình thực hiện sẽ có một số cán bộ không theo đúng quy định của pháp luật. Ông dẫn chứng việc mua sắm vật tư, thiết bị, sinh phẩm được thực hiện theo kiểu “miễn có ngay để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chống dịch”.
Tuy nhiên, theo ông Mai, với những người liên quan trong “vụ dịch COVID-19” khi xử lý vi phạm cần xác định đúng bản chất, đúng hoàn cảnh, trong đó quan trọng nhất là xác định có mục đích cá nhân không. Việc này giúp động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch, mặt khác, sau này nếu có đợt dịch tiếp theo thì những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.