Họp báo vụ SCB: Người gửi tiền không nên hoang mang rút tiền trước hạn

(PLO)- Hiện SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-10, TP.HCM tổ chức họp báo để thông tin rõ hơn về tình hình hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan và 3 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thông tin này đã khiến nhiều khách hàng đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn để rút tiền.

Họp báo vụ SCB: Người gửi tiền không nên hoang mang rút tiền trước hạn ảnh 1

Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM

(ngoài cùng bên phải). Ảnh:Bảo Phương

Tại họp báo, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: "Hoạt động gửi tiền của người dân là bình thường và tài sản của người dân được đảm bảo đầy đủ, do vậy người dân không nên hoang mang để dẫn tới việc rút tiền trước hạn khoản tiền gửi làm ảnh hưởng đến quyền lợi về tài sản của mình.

Vì khi rút trước kỳ hạn thì khoản tiền rút trước này sẽ chỉ được hưởng lãi suất của tiền gửi không kỳ hạn (tương đương khoảng 0,2% đến khoảng 1%/năm). Còn nếu gửi tiền gửi có kỳ hạn thì người gửi tiền có thể được hưởng lãi suất lên tới 7-8%/năm.

Do vậy, nếu người dân rút tiền do những thông tin không chính thống hoặc thấy người khác rút tiền mà chúng ta cũng lo lắng xếp hàng rút tiền thì nên cân nhắc để tránh thiệt thòi của quyền lợi của mình".

Cũng tại buổi họp báo ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng SCB cho biết: Tính đến 30-9-2022, SCB có 4.132 cổ đông, trong đó cổ đông nước ngoài là 7 cổ đông và sở hữu 27,91% vốn điều lệ; cổ đông trong nước là 4.125 cổ đông trong đó có 11 cổ đông tổ chức (sở hữu 15,7% vốn điều lệ) và 4.114 cổ đông còn lại sở hữu 56,11% vốn điều lệ.

Liên quan đến câu hỏi về các phương án trả tiền cho khách hàng có nhu cầu rút tiền, ông Hoàng Minh Hoàn cho biết: Hiện SCB đã tăng cường lượng tồn quỹ tiền mặt tại tất cả các điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu thanh toán và rút tiền chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, SCB cũng tăng cường tiền gửi tại NHNN để đảm bảo yêu cầu thanh toán liên ngân hàng (thanh toán giữa SCB với các ngân hàng khác và ngược lại).

Hiện nay, do lượng khách hàng đến rút tiền đông hoặc có những khách hàng rút tiền với số tiền lớn nhưng không báo trước, SCB đã phải tăng cường nhân sự để đảm bảo trật tự cho khách hàng xếp hàng đúng thứ tự. SCB cũng có nhờ cơ quan địa phương giúp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

"NHNN hiện hỗ trợ rất sát sao đối với ngân hàng SCB. Mọi diễn biến liên quan đến hoạt động của SCB, chúng tôi đều báo cáo với NHNN thường xuyên và các bộ ngành có liên quan nhằm đảm bảo hoạt động của ngân hàng SCB. Chúng tôi khẳng định là thanh khoản của ngân hàng SCB vẫn ổn định và đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đúng theo qui định của pháp luật", ông Hoàn nói.

Cũng trong cuộc họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông liệu có được bảo đảm giống như người rút tiền tiết kiệm hay không?

Với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: "Khi người dân gửi tiền thì ngân hàng là nơi huy động vốn của người dân để kinh doanh tiền tệ. Tiền gửi là tài sản và được đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp khi rút tiền. Còn nhà đầu tư trái phiếu thì người có trách nhiệm trả tiền đầu tư công ty phát hành trái phiếu (cụ thể ở đây là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông – PV).

Trái phiếu là kênh đầu tư huy động vốn khi một công ty có nhu cầu vay và kênh đầu tư này được thực hiện theo qui định của UBCKNN. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phải đảm bảo trả tiền gốc và lãi cho trái chủ (nhà đầu tư) vào ngày đáo hạn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm