Phu Văn Lâu nằm ngay trước kinh thành Huế, được làm bằng gỗ theo hình thức cổ lâu có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 12,2 m, cao 11,8 m (gồm cả nền 1,2 m) lợp ngói ống vàng.
Phu Văn Lâu được hoàn thành tu bổ. Ảnh: NGUYỄN DO
Công trình này được xây dựng đầu thế kỷ 19 dưới thời Gia Long, là nơi niêm yết những văn bản quan trọng của triều đình và công bố kết quả các kỳ thi. Dưới thời vùa Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Phu Văn Lâu đều được chọn là địa điểm tổ chức các cuộc vui chơi, yến tiệc trong dịp lễ vạn thọ của nhà vua.
Ngày nay, Phu Văn Lâu trở thành điểm thường xuyên diễn ra các buổi sinh hoạt cộng đồng vào các dịp lễ hội hoặc trong dịp kỷ niệm các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước dân tộc.
Trong quá trình tồn tại, Phu Văn Lâu đã trải qua tám lần tu bổ lớn, trong đó đáng lưu ý nhất là lần tu bổ năm 1974. Tại thời điểm này, bốn cột cái, bốn cột quyết, bốn kèo quyết và một số xà liên kết được thay đổi từ kết cấu gỗ sáng kết cấu bê tông cốt thép. Ngày 15-5-2014, một góc mái phía đông-bắc của Phu Văn Lâu bị sạt nên công trình được tổ chức tu bổ, phục hồi.
Công trình được đầu tư gần 12 tỉ đồng, khởi công ngày 13-5-2015 tập trung vào các hạng mục phục hồi nguyên trạng hệ khung gỗ và giàn mái, vách đố bản sơn vàng cùng các họa tiết chạm khắc trang trí thếp bạc phủ kim hoàn, mái lợp ngói âm dương men vàng... Riêng phần nền móng của công trình được giữ nguyên ở vị trí cũ.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cho biết di tích Phu Văn Lâu được phục hồi lần này theo như kết cấu, hình thức trang trí mỹ thuật dưới thời Khải Định - Bảo Đại.
Sau khi tu bổ phục hồi, di tích này tiếp tục sẽ là nơi diễn ra các hoạt động, lễ hội quan trọng, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân.