35 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM:

Hùng ca đời đời vang vọng- Bài 1: Chiến trường vẫy gọi

LTS: Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là chiến công hiển hách của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Đó chính là sự khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần Việt Nam qua ba mươi năm đấu tranh gian khổ. Ba mươi năm đó đã có mấy thế hệ người Việt Nam “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" (thơ Tố Hữu). Cổ vũ cho khí thế hào hùng ra trận, không thể không kể tới hàng nghìn nghệ sĩ-chiến sĩ đã hiên ngang, oanh liệt tiến ra sa trường. Những nghệ sĩ-chiến sĩ đã viết nên bản hùng ca đời đời vang vọng.

“Lính chiến” Tây Nguyên vẫn thường nhắc câu chuyện về hai vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho đi chiến trường. Nhiều cựu chiến binh gặp hai vợ chồng nghệ sĩ vẫn dí dỏm trêu: Quả bom là quả bom to/Nó chui, nó rúc Doãn Nho mất hồn.... Tôi đến nhà thăm vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho-Nguyệt Ánh. Nhạc sĩ Doãn Nho đang đi thu âm trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiếp tôi chỉ có nghệ sĩ Nguyệt Ánh. Bà trẻ hơn nhiều so với tuổi 72, ánh mắt vẫn tinh tường hồn hậu. Bà vui vẻ hỏi: “Nhà báo lại đến vì cái chuyện “Quả bom to” phải không? Lính xưa họ tếu lắm. Chuyện nó như thế này...".

Hùng ca đời đời vang vọng- Bài 1: Chiến trường vẫy gọi ảnh 1

Văn công trước cửa Dinh Độc Lập 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Năm 1967, hai vợ chồng nghệ sĩ Nguyệt Ánh đang công tác tại Đoàn văn công Quân đội thì được lệnh lên đường đi B3. Lúc đó, chuyện nghệ sĩ ra chiến trường phục vụ là chuyện bình thường, nhưng vào chiến trường B3 (Mặt trận Tây Nguyên) lại kéo dài trong một năm thì lại là chuyện khác. Lo âu xen lẫn háo hức. Đoàn công tác có 13 người, trong đó có nữ. Nhạc sĩ Doãn Nho đi tiền trạm cùng một đoàn xe vận tải vũ khí. Đoàn xe này bị B52 rải thảm, bộ đội hi sinh rất nhiều. Trong số đó cũng có một chiến sĩ lái xe tên là Nho, nên khi báo về mọi người nhầm tưởng Doãn Nho đã hi sinh. Tình thực trước đó, nhạc sĩ “bị” một người bạn là sĩ quan cao cấp giữ chân ở binh trạm để tâm sự, nên may mắn thoát chết.

Nghe tin nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả của ca khúc Tiến bước dưới quân kỳ đã hi sinh, anh em bộ đội thương lắm. Một đồn mười, mười đồn trăm, rồi cả Mặt trận Tây Nguyên đều biết. Tin đồn bay về với đoàn công tác. Lãnh đạo đoàn quyết định giữ kín thông tin để bà Nguyệt Ánh tiếp tục công tác.

Bà Ánh kể: “Mỗi lần tôi hát bài Nguyễn Viết Xuân, trong đó có câu: Nghe tin chúng giết anh rồi... tim sục sôi... Tất cả mọi người lúc đó đều đã nghe tin đồn anh Nho hi sinh. Họ đều khóc thương tôi. Tôi càng hồn nhiên diễn cảm, mọi người lại càng khóc”.

Thế rồi một hôm, khi 3 chị em trong đoàn tắm dưới suối, chợt nghe cậu “anh nuôi” hét gọi: “Chị Nguyệt, chị Tân ơi, anh Nho về rồi!”. Bà Ánh còn ngạc nhiên hỏi: “Anh Nho về thì làm sao?”. Hai chị ôm chầm lấy vai bà mà khóc: “Bọn tao giấu mày tin đồn anh Nho hi sinh cả tháng nay rồi!”. Lúc đó bà Ánh mới tá hỏa, òa lên, quên cả y phục chạy ra tìm chồng. Chuyện đó lại được đồn, lại thành thơ bút tre. Lính Tây Nguyên ai cũng biết.

“Văn công đi mặt trận có được ưu ái gì không?”-Tôi hỏi. Bà Ánh đáp: “Ưu ái nhiều chứ. Trừ khẩu phần thức ăn, quân trang (nặng khoảng 20kg) thì không phải vác thêm gì nữa. Đôi lúc đến trạm giao liên còn được ngủ lán. Thế là quý rồi, đã hơn bộ đội “thật” rất nhiều rồi”.

Hùng ca đời đời vang vọng- Bài 1: Chiến trường vẫy gọi ảnh 2

Vợ chồng nghệ sĩ Doãn Nho tuổi thất thập. Ảnh: Đông Hà

Cảm động nhất là những lần gặp đồng hương trên mặt trận. Bà Ánh gặp một “cậu em” hàng xóm, hai chị em ríu rít trao đổi thư từ. Bà bùi ngùi nói: “Cậu ấy tên là Thái, nhà ở 32 Yết Kiêu, trẻ hơn tôi mấy tuổi. Trước khi đi tôi chỉ kịp giúi cho cậu ấy túi đường. Sau đó ít lâu đã nghe tin cậu ấy hi sinh tại mặt trận phía Nam”.

Những năm kháng chiến nghệ sĩ cả nước có một phong trào ra trận. Trong số đó có nhiều người không công tác trong quân đội. Họ ra mặt trận như một nhu cầu tự thân, góp sức phục vụ kháng chiến. Nhiều đoàn nghệ sĩ với chiếc xe đạp, túi bánh mì khô, một tờ giấy giới thiệu lên đường ra vùng “cán chảo”, “túi bom”. Văn nghệ sĩ ra trận đã trở thành nguồn động viên bộ đội, và chính họ đã có nhiều tác phẩm để đời: Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Huy Thục, Thu Bồn, Hữu Mai, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu... và còn nhiều tên tuổi lớn nữa... Sau mỗi chuyến đi là sự ra đời của hàng loạt những tác phẩm ca ngợi bộ đội, cổ vũ kháng chiến. Chính có những cuộc ra đi đó mà giờ đây trong nhạc Việt có một dòng nhạc được gọi là “nhạc đỏ”.

Trường hợp các nghệ sĩ trưởng thành trên mặt trận không phải hiếm gặp. Họa sĩ Trần Lê An là chiến sĩ Thành cổ. Ông có năng khiếu mỹ thuật nên được tham gia lớp đào tạo mỹ thuật cấp tốc do cán bộ trung đoàn tổ chức. Hiện ông còn giữ được rất nhiều tranh ký họa về những trận phòng ngự Cửa Tùng, Cửa Việt, Quảng Trị...

Nhiều cuộc triển lãm tranh ký họa chiến trường được tổ chức gần đây của các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Phạm Ngọc Liệu, Giang Khích, Lê Thiếu Nhơn, Đinh Rú, Lê Duy Ứng... đã khắc họa được hào khí của một thời gian khổ nhưng rất oai hùng.

Hào khí sa trường cuốn đi nhiều nghệ sĩ. Bom đạn cũng cướp đi nhiều tài năng: Tô Ngọc Vân, Hoàng Việt, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá...

Xin cảm ơn người nghệ sĩ đã đồng hành cùng bước chân thần tốc của đoàn quân  Nam tiến. Họ xứng đáng với danh xưng “Nghệ sĩ-chiến sĩ”.

(Bài 2: Những tượng đài kỳ vĩ)

Theo Lê Đông Hà (QĐND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm