Công ty tàu du lịch Hapag-Lloyd Cruises có trụ sở ở Đức viết thông cáo trên Facebook cho hay tàu của hãng neo tại Spitsbergen, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Svalbard ngày 28-7 thì một con gấu Bắc Cực tấn công một nhân viên bảo vệ được thuê tới bảo vệ cho du khách khỏi gấu Bắc Cực. Giới chức cho biết vụ tấn công xảy ra khi du khách trên tàu MS Bremen bước xuống một hòn đảo thuộc quần đảo Svalbard, giữa Na Uy và Bắc Cực.
Một con gấu Bắc Cực bị bắn chết. Ảnh: REUTERS
Được biết người này bị chấn thương đầu và bất tỉnh khi được trực thăng đưa đến thị trấn Longyearbyen, thuộc đảo Spitsbergen, để được chăm sóc y tế nhưng tính mạng không bị đe dọa.
Phát ngôn viên của Công ty tàu du lịch Hapag Lloyd Cruises, bà Negar Etminan, cho biết con gấu Bắc Cực nói trên bị nhân viên còn lại bắn chết sau vụ tấn công. Cũng theo bà Etminan, đây là một hành động "tự vệ". Danh tính của hai nhân viên nói trên không được công bố. Bà Etminan còn cho biết thêm toàn bộ tàu du lịch đến khu vực bắt buộc phải có nhân viên bảo vệ du khách khỏi gấu Bắc Cực.
Theo CNN, hành động bắn chết gấu Bắc Cực của nhân viên tàu du lịch MS Bremen đã dấy lên làn sóng phản đối gay gắt. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WFF) đã liệt gấu Bắc Cực vào danh sách những loài vật dễ bị tổn thương.
“Thật bi kịch. Khi chỉ còn 25.000 con gấu Bắc Cực trên hành tinh này thì mỗi một con đều có ý nghĩa” - nhà bảo tồn động vật hoang dã Jeff Corwin cho hay.
“Khi các bạn vào hệ sinh thái này với tư cách một khách du lịch, một nhà thám hiểm hay là một nhà khoa học, các bạn phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn cho các bạn, các bạn không được phép can thiệp vào tập tính hoang dã của những con gấu Bắc Cực” - Corwin nói thêm.
Người dùng mạng xã hội cũng tỏ ra bất bình với hành vi trên của nhân viên tàu du lịch MS Bremen. “Du lịch… lần nữa chứng tỏ gây phương hại cho thế giới hoang dã” - blogger Adam Hart viết.
Đây không phải là vụ tấn công đầu tiên liên quan đến gấu Bắc Cực ở Na Uy. Trước đó, vào năm 2011, một học sinh người Anh tên Horatio Chapple đã thiệt mạng sau khi bị loài vật nêu trên xông vào lều tấn công trong chuyến dã ngoại thám hiểm ở quần đảo Svalbard.
Theo các nhà khoa học, hoạt động của con người và biến đổi khí hậu có thể là lý do khiến số vụ tấn công liên quan đến gấu Bắc Cực gia tăng.
Gấu Bắc Cực hung hãn nhất khi chúng đói bụng. Trong bối cảnh khí hậu nóng lên khiến băng tan, loài vật này buộc phải tiến gần hơn đến khu vực sinh sống của con người và có thể xem con người là thức ăn.