TAND Tối cao đang tiếp tục lấy ý kiến bàn luận dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng các tội xâm hại tình dục. Với tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh dự thảo hướng dẫn áp dụng tội này.
Dự thảo hướng dẫn coi chừng vượt luật
Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo hướng dẫn đã vượt quá quy định của BLHS.
Ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) cho rằng dự thảo của TAND Tối cao đã tự ý thêm “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội” là trái với Điều 146 BLHS. Hướng dẫn như vậy đã làm khó cho cơ quan tố tụng khi chứng minh tội phạm, bởi đối tượng thực hiện hành vi sẽ cãi phăng rằng đó là tình cờ… chứ chẳng dại gì nhận “nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục”.
Ông Thêm cho rằng hướng dẫn của TAND Tối cao buộc phải tuân thủ theo BLHS, không được quyền mở rộng hoặc thu hẹp nội dung so với điều luật. Ngoài ra, ông Thêm còn lấy làm tiếc khi Điều 146 BLHS 2015 chỉ quy định người trên 18 tuổi thực hiện những hành vi dâm ô mới được coi là tội phạm, còn người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thực hiện hành vi dâm ô thì luật lại không đề cập.
Tiếp ý của ông Thêm, TS-luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng bản thân Điều 146 và dự thảo nghị quyết hướng dẫn có một số điểm chưa ổn như sau: Về tuổi của người bị hại, điều luật chỉ quy định tuổi của người bị hại là người dưới 16 tuổi. Hiện BLHS và BLTTHS đều sử dụng cụm từ “người dưới 18 tuổi” và có những quy định dành riêng cho các đối tượng là người dưới 18 tuổi.
Hiện nay BLHS quy định ba loại hành vi xâm hại tình dục, đó là giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác và dâm ô với người dưới 16 tuổi. “Từ quy định trên có thể kết luận những hành vi tương tự như hành vi dâm ô nhưng được thực hiện với chủ thể là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, với người trên 18 tuổi hoặc với những người bị hạn chế, bị mất năng lực hành vi thì không bị xử lý trách nhiệm hình sự?” - LS Trạch đặt vấn đề.
Vụ án Nguyễn Hữu Linh ban đầu có ý kiến khác nhau trong việc xác định hành vi dâm ô của bị can này. Ảnh: HY
Hướng dẫn làm thay đổi “cấu thành tội phạm”
Theo giới hành nghề luật, dự thảo còn tự bổ sung quy định “gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại” là chưa phù hợp. Theo LS Trạch, nếu quy định như thế sẽ làm khó cho cơ quan tố tụng, bởi trên thực tế rất khó có căn cứ để xác định bị hại bị ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần. Hoặc có trường hợp bị hại cho rằng không bị ảnh hưởng (như trường hợp gia đình bị hại vụ án Nguyễn Hữu Linh nói “không tổn thất gì đến bé, vì quý mến bé nên ôm hôn”) thì chẳng lẽ không thể xử lý trách nhiệm hình sự? Đó là chưa nói có trường hợp do người bị hại quá nhỏ nên trên thực tế cháu không thể nhận biết mình bị ảnh hưởng, nhất là về tinh thần.
Điều 146 BLHS 2015 chỉ quy định về việc thực hiện hành vi dâm ô. Do đó TS Trạch phân tích: “Nghị quyết hướng dẫn chỉ cần xác định hành vi nào là hành vi dâm ô. Còn như dự thảo hiện hành thêm cụm từ “nhằm thỏa mãn nhu cầu” là không cần thiết mà lại làm hẹp đi rất nhiều căn cứ định tội, buộc CQĐT và VKS phải chứng minh thế nào là “thỏa mãn”, như thế là gây khó khăn.
Đồng tình, LS Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) cũng nói dự thảo như thế chẳng khác nào “bổ sung thêm” trong cấu thành tội phạm là hành vi này phải “gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại…”. Trong khi đó, Điều 146 BLHS 2015 chỉ quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Theo điều luật trên thì tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là tội phạm có cấu thành hình thức, tức căn cứ vào hành vi vi phạm để xác định trách nhiệm hình sự chứ không dựa vào hậu quả hay những tổn hại từ hành vi dâm ô gây ra.
“Hướng dẫn của TAND Tối cao đã đi ngược lại với khoản 1 Điều 146 BLHS 2015. Nghị quyết dùng để hướng dẫn luật chứ không được sửa đổi hay bổ sung luật. Hành vi dâm ô không chỉ gây nên những tổn hại cho sức khỏe mà còn gây nên những chấn thương tâm lý đối với sự phát triển sau này của trẻ. Do vậy, việc đong đếm hậu quả của bị hại để buộc tội là không cần thiết” - LS Hiệp nhấn mạnh.
Dự thảo mô tả khá cụ thể hành vi dâm ô Khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tại khoản 9 Điều 2 dự thảo nghị quyết (lần hai) của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người bị hại là người dưới 16 tuổi: a) Sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: Bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi; b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn, vuốt ve vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: Bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác; c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: Bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...). Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: Qua lớp quần áo) của người dưới 16 tuổi. Trường hợp người thực hiện hành vi tương tự như các hành vi nêu tại các điểm a, b, c khoản này nhưng là hoạt động chăm sóc thường ngày của cha mẹ đối với con, giáo viên mầm non đối với trẻ mầm non thì không bị coi là dâm ô. |