Hương rừng không chỉ ở Cà Mau

Ngày 13-8, đúng dịp kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà văn Sơn Nam, khá đông bạn bè, độc giả… đã họp mặt quanh mộ ông để tưởng nhớ. Trong khuôn viên hoa viên nghĩa trang Bình Dương, nhiều người ngồi nhắc nhớ về “ông già đi bộ”.

Bình Dương nhắc nhớ

Trong khói sóng mênh mông/ Có bóng người vô danh/ Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/ Mang theo chiếc độc huyền/ Điệu thơ Lục Vân Tiên…”. Sau khi nghe một người đến viếng mộ ngâm mấy dòng thơ thay lời tựa trong tập truyện Hương rừng Cà Mau, nhà thơ Kiên Giang rớm nước mắt: “Mấy đêm nay cứ nửa đêm thức giấc là tui nhớ ông bạn già ghê gớm. Càng đọc Hương rừng Cà Mau càng thấm cái khổ của Sơn Nam. Tôi là người cùng làng Đông Thái, Kiên Giang, rồi sau này cùng đi học, đi kháng chiến, hoạt động văn chương với nhau, càng nghĩ càng thương. Trước giải phóng, có lúc ông đi công tác ngang qua nhà nhưng không dám ghé thăm vì không có tiền. Sau giải phóng, tui với ổng rủ nhau về thăm quê, làng xóm tan nát hết, nhà không còn. Ổng nói: “Mình nghèo, mình phải viết làm sao để cho người ta thấu hiểu được cái nghèo của dân quê mình”. Chính cái nghĩ đó mà khi sống xa quê ông toàn viết về vùng đất, về con người nơi miệt thứ. Cũng chính cách nghĩ đó mà trong người ông không bao giờ có tiền, dù tưởng đã có lúc ông rất giàu từ việc bán bản quyền toàn bộ sách cho Nhà xuất bản Trẻ. Ông có đồng nào là đem cho người này người kia hết, nhất là người nghèo”.

Hương rừng không chỉ ở Cà Mau ảnh 1

Gia đình và độc giả đang viếng mộ nhà văn Sơn Nam. Ảnh: TM

Nhà thơ Kiên Giang kể rằng ông đã phát hiện ra một nghệ thuật la cà từ ông Sơn Nam. Với Sơn Nam, sống ở đời phải biết la cà, dù người đó là cô gái giang hồ mới ra tù về cũng đến thăm hỏi, động viên sao cho cổ bỏ nghề. Từ việc la cà đó mà hơi thở đời sống luôn ngồn ngộn trong Tình nghĩa giáo khoa thư, Ông già xay lúa, Con Bảy đưa đò, Người mù giăng câu… Qua chiều, nhà thơ Kiên Giang nấn ná mãi vẫn chưa muốn chia tay người bạn già. Ông nói có lẽ hương rừng đã lan tỏa khắp nơi, không riêng có ở Cà Mau.

Tiền Giang tìm về

Không chỉ viếng mộ, những ngày này nhiều người tìm đến với nhà lưu niệm Sơn Nam bên dòng sông Bảo Định (Tiền Giang) mặc dù phải đến tuần sau nơi này mới tổ chức ngày giỗ của ông (13-7 âm lịch, tức ngày 19-8).

Đây là nơi mà nhà văn từng đưa gia đình người vợ Đào Thị Phán và các con về ở từ những năm 1950 cho đến nay với nhiều ký ức đẹp. Khách đến thăm nhà lưu niệm có đủ thành phần, trí thức, bình dân, tiểu thương, người bắt heo, thậm chí trong sổ lưu niệm còn có người ký tên “Hai vợ chồng nông dân”. Có người khi tìm đến nơi đã tối mịt, họ tìm người quản gia nhờ mở đèn lên cho họ được thắp nén nhang tưởng nhớ.

Nhà lưu niệm được vợ chồng người con gái đầu Đào Thúy Hằng tạo dựng. Trước khi làm nhà, anh Trần Đức Nghị, con rể của ông, đã đọc nhiều lần các tác phẩm của ông để tìm cho ra một không gian Sơn Nam đúng nghĩa. Anh ủi đất cất nhà ba gian trên một cái đồi thấp. Nhà hướng ra dòng sông Bảo Định. Không gian quanh nhà toàn những đặc sản có trong tập Hương Rừng Cà Mau như cây bông trang, tràm, ô rô, dừa nước, cây bông súng, bông điệp… Cả 83 viên đá tổ ong tượng trưng cho số tuổi của ông được lát làm lối vào nhà dựa theo hình bản đồ đất mũi Cà Mau. Trước nhà, bức tượng bán thân của nhà văn hướng mắt xa xăm nhìn về hòn Phụ Tử được mô phỏng lại từ đất Kiên Giang quê ông. Ghe xuồng qua lại thường xuyên trên dòng sông trước nhà dễ làm người ta liên tưởng đến những vần thơ ám ảnh: “Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút/ Điệu hò ơ theo nước chảy chan hòa”…

Nhà văn chưa bao giờ giữ cái gì cho riêng mình, kể cả lúc tài sản chỉ có hai bộ đồ ông cũng cho bạn một bộ. Sách của mình ông cũng không giữ lấy đầu sách nào. May thay, khi làm nhà lưu niệm, người yêu quý Sơn Nam khắp nơi tìm về gửi lại kỷ vật của ông. Là tủ sách của nhà văn do nhà giáo Đinh Công Tâm sưu tầm cả đời. Là chiếc máy đánh chữ ông ký tặng cho một sinh viên hâm mộ. Là một chiếc máy đánh chữ khác ông gửi cho một người nhờ sửa giùm rồi bỏ quên luôn. Là bộ áo dài khăn đóng ông hay đi làm lễ ở các đền chùa… Mỗi ngày nhà lưu niệm càng đong đầy thêm tấm lòng của độc giả xa gần. Trong số đó có một bức tranh của em sinh viên vẽ tặng phỏng theo lời kể về hình ảnh ông lúc sinh thời được mẹ cho bú thép (bú nhờ) một người Khmer ở Kiên Giang mà ông luôn nặng lòng ơn nghĩa.

Nơi đó, có bức hình của một thanh niên Sơn Nam thời trẻ cầm tẩu thuốc đứng trên bờ đê nhìn xa xăm ra ruộng lúa trước mặt. Sau bức hình, chị Đào Thúy Hằng còn lưu lại mấy câu thơ làm từ năm 1973: “Xin cám ơn mùa mưa con nước lũ/ Nuôi dân tôi bông lúa trổ triền miên/ Xin cám ơn bờ đê và ngọn cỏ/ Ba tôi về mong ngóng chút bình yên”.

Nay thì có lẽ ông về với nơi đâu có người thương mến, tưởng nhớ mình.

Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Tiền Giang từng đề nghị đưa nhà lưu niệm ông vào tuyến du lịch mới nhưng gia đình chị Hằng chưa muốn. “Khi đã mở tour du lịch thì phải nâng cấp nhà, có chỗ nghỉ ngơi, nhiều nhà vệ sinh… Nếu làm không đường hoàng thì để tiếng không hay cho ba. Vả lại, cứ để hữu xạ tự nhiên hương, ai thích tìm hiểu về ba thì ghé thăm, lúc nào chúng tôi cũng rộng cửa” - anh Nghị nói.

Sách của ông không được đưa vào giáo khoa nhưng thời trẻ chúng tôi tự tìm đọc vì nó phản ánh con người, mảnh đất vùng quê nam bộ mình. Cái đặc biệt ở ông mà các nhà văn khác không có được là tính biên khảo trong văn học, ông viết về tập quán, văn hóa, phong tục, con người từng vùng đất. Qua đó, thân phận con người trong từng tác phẩm rất rõ nét.

ÔngNGÔ TẤN LỰC, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang

Sau khi được giao trọn bộ các đầu sách của nhà văn Sơn Nam cách đây 10 năm, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi xuất bản 21 đầu sách. Ngay từ đầu sách đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Với hơn 10.000 trang sách của ông, Nhà xuất bản Trẻ đã sở hữu một gia tài đồ sộ. Sắp tới, chúng tôi sẽ xuất bản những đầu sách bìa mềm, giá bình dân để phổ biến cho bà con ở các vùng quê.

Ông PHẠM SỸ SÁU,Trợ lý giám đốc Nhà xuất bản Trẻ

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm