Tại tòa đại diện VKS cho rằng, cấp sơ thẩm công nhận phần diện tích đất phía sau 1,25 m2 là của bị đơn, nhưng không lập bản vẽ để xác định phần đất tranh chấp, phần đất công nhận cho bị đơn sẽ ảnh hưởng đến việc thi hành án…Vì vậy, VKS đề nghị hủy án.
Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng không xác định được phần đất tranh chấp vì bản vẽ hiện trạng do toà yêu cầu Trung Tâm bản đồ lập năm 2015 không thể hiện. Vì không có bản đồ xác định ranh đất nên việc án sơ thẩm tuyên là không chính xác về vị trí đất.
Cạnh đó, việc cấp sơ thẩm ban hành quyết định sửa nội dung bản án, nhưng nội dung sửa lại không được thể hiện trong biên bản nghị án là vi phạm tố tụng. Nguyên đơn là bà N. đã hơn 60 tuổi mà phải chịu án phí là vi phạm Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án…
Từ đó, toà tuyên hủy toàn bộ bản án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Phần khoảng hở đang tranh chấp. Ảnh: YC
Trước đó, ngày 18-3 TAND TP.HCM đã mở phiên xử nhưng quyết định tạm ngưng.
Tại tòa, nguyên đơn yêu cầu sửa bản án theo hướng chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn. Theo nguyên đơn, phần đất tranh chấp hơn 9,5m2 (ngang 0,5m, dài 19m; tiếp giáp giữa hai nhà) thuộc quyền sử dụng của bà N. và sử dụng ổn định. Vì vậy, bà N. yêu cầu sửa án sơ thẩm theo hướng công nhận phần đất là của mình, bác yêu cầu phản tố của bị đơn.
Phía bị đơn thì đề nghị công nhận phần đất tranh chấp là của mình. Lý do là theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bị đơn thì đây là lối đi chung. Còn theo Giấy chứng nhận đã cấp cho nguyên đơn thì đây là khoảng hở chung. Vì vậy gọi khoảng hở chung hay lối đi chung đều được…
HĐXX đã hỏi cả hai bên về bản vẽ hình ảnh lô đất và hai bên đều xác nhận tất cả bản vẽ có trong hồ sơ, bản vẽ của hai bên cung cấp đều là mặt cắt, bản vẽ hiện trạng chứ không có bản vẽ thể hiện vị trí, hình ảnh thực tế của lô đất. Sau đó, HĐXX vào hội ý và quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Tóm tắt vụ án Năm 2013, bà N. khởi kiện bà L. yêu cầu tòa công nhận phần diện tích đất tiếp giáp giữa hai nhà 9,5 m2 thuộc quyền sử dụng của mình. Bà N. đề nghị bà L. và các đồng thừa kế của chồng bà L. (do chồng bà L. đã mất) trả lại phần đất lấn chiếm bên hông nhà và tháo dỡ các vật kiến trúc lấn chiếm không gian bên trên... Ngược lại, bà L. đề nghị tòa công nhận gần một nửa phần diện tích đất thuộc khoảng hở trên (gồm hai đoạn) thuộc quyền sử dụng của mình. Ngoài ra, bà L. cũng có yêu cầu phản tố đề nghị bà N. tháo dỡ bức tường mặt tiền và hàng rào hiện hữu dọc theo giữa hai nhà... UBND quận Bình Thạnh (là người liên quan) thì cho rằng khoảng hở giữa hai nhà không nằm trong diện tích giấy đỏ đã cấp cho bà L. cũng như bà N... Tháng 10-2018, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà N., chấp nhận một phần yêu cầu của bị đơn, buộc bà N. tháo dỡ tường rào mặt tiền tại vị trí tiếp giáp với tường rào nhà bà L. HĐXX cũng kiến nghị UBND quận Bình Thạnh điều chỉnh lại giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng bà L... Sau đó, cả hai bên đều kháng cáo. |