Mới đây, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp khá hy hữu giữa nguyên đơn là bà N. và người hàng xóm là bà L. liên quan đến một khoảng hở rộng 0,5 m nằm giữa hai nhà.
Ủy ban nói chưa từng cấp cho hộ nào
Tại tòa, đại diện bà N. giữ nguyên các yêu cầu trong đơn khởi kiện đã nộp từ năm 2013. Theo đó, bà yêu cầu tòa công nhận phần diện tích đất 9,5 m2 (ngang 0,5 m, dài 19 m; phần tiếp giáp giữa hai nhà) thuộc quyền sử dụng của mình. Bà N. dẫn chứng, trích sao điền thổ năm 2014 thể hiện phần diện tích đất thực tế theo hiện trạng sử dụng của gia đình bà là 145,7 m2. Văn bản ngày 18-11-2014 của Sở TN&MT TP.HCM và biên bản xác định ranh đất, mốc giới, hồ sơ kỹ thuật thửa đất thể hiện phần đất 9,5 m2 nằm trong khuôn viên 145,7 m2 mà bà đã được cấp.
Vì vậy, bà đề nghị bà L. và các đồng thừa kế của chồng bà L. (do chồng bà L. đã mất) trả lại phần đất lấn chiếm bên hông nhà và tháo dỡ các vật kiến trúc như máng xối, máng che cửa sổ lấn chiếm không gian trên phần diện tích đất này.
Ngược lại, bà L. đề nghị tòa công nhận gần một nửa phần diện tích đất thuộc khoảng hở trên (gồm hai đoạn) thuộc quyền sử dụng của mình. Ngoài ra, bà L. cũng có yêu cầu phản tố đề nghị bà N. tháo dỡ bức tường mặt tiền và hàng rào hiện hữu dọc theo giữa hai nhà, hoàn trả phần diện tích nêu trên cho bà.
Tại tòa, đại diện UBND quận Bình Thạnh (là người liên quan) thì cho rằng khoảng hở giữa hai nhà không nằm trong diện tích giấy đỏ đã cấp cho bà L. cũng như bà N. Theo đó, khoảng hở này chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nào.
Trong khi đại diện VKS quận cho rằng theo công văn của UBND quận Bình Thạnh thì khoảng hở chưa được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình nào. Vì vậy, chưa đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu của cả bà L. và bà N. Do khoảng hở chưa được công nhận cho ai nên việc bà N. xây bức tường bít với chiều ngang 0,5 m, chiều cao 2 m là không đúng nên đề nghị tháo dỡ. Tức là VKS đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà L. về việc buộc bà N. tháo dỡ bức tường xây bít khoảng hở.
Khoảng hở không của riêng ai
HĐXX nhận định giấy thỏa thuận (tứ cận) năm 1999 có chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố thì chủ trước (người tặng cho bà N. nhà đất) tự vẽ sơ đồ nhà đất. Sơ đồ này không thể hiện phần diện tích toàn bộ của khoảng hở chung là thuộc diện tích của nhà bà N. Ngoài ra, trong giấy chứng nhận do UBND quận Bình Thạnh cấp cho chủ trước và người nhận tặng cho sau này là bà N. thể hiện phần diện tích này là khoảng hở chung.
Cạnh đó, căn cứ vào công văn phúc đáp của UBND quận Bình Thạnh năm 2017 thì khoảng hở này không thuộc giấy chứng nhận đã cấp cho bà N. và cũng không thuộc giấy chứng nhận đã cấp cho bà L. Đây là khoảng hở chung giữa hai nhà và không thuộc phần diện tích được công nhận của hộ nào. Do vậy, không thể chấp nhận yêu cầu công nhận khoảng hở chung này thuộc quyền sử dụng của bà N.
Đối với yêu cầu của bà L., HĐXX xét thấy phần diện tích hơn 2,3 m2 (phần từ cổng vào đến hiên nhà) mặc dù bà L. có nộp lệ phí trước bạ nhưng các giấy tờ khác đều thể hiện diện tích nhà bà không bao gồm phần đất này. Bản vẽ hiện trạng và giấy chứng nhận ở hồ sơ gốc cũng không thể hiện phần đất này thuộc khuôn viên nhà bà nên cũng không thể chấp nhận yêu cầu của bị đơn. Bà L. được quyền khiếu nại đến cơ quan thuế để được hoàn trả phần tiền đã nộp dư diện tích.
Đối với yêu cầu của bà L. công nhận đoạn thứ hai tính từ phần cuối của khoảng hở của căn nhà rộng 1,25 m2 thì khoảng hở này đã được chủ nhà trước sử dụng khi xây nhà từ năm 1961. Sau khi bà L. mua lại đã sử dụng làm hồ nước và bếp cho đến nay. Căn cứ theo bản vẽ hiện trạng nhà ở năm 1992 thể hiện diện tích nở hậu phía sau nhà bà L. là phần diện tích này…
Tuy nhiên, khi làm hồ sơ bản vẽ để hợp thức hóa chủ quyền, trong bản vẽ và giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng bà L. lại không thể hiện phần diện tích nở hậu này. Cạnh đó, diện tích này đã được bà L. sử dụng ổn định lâu dài, nộp thuế đầy đủ nên HĐXX kiến nghị UBND quận điều chỉnh giấy chứng nhận đã cấp cho bà L.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn buộc bà N. tháo dỡ tường rào mặt tiền có diện tích 0,5 x 2 m, theo HĐXX, bà N. không xác định được thời điểm bức tường rào được xây dựng và cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc xây tường rào đã được cấp phép xây dựng. Vị trí và diện tích một phần tường rào của nhà bà N. xây dựng trái phép thuộc diện tích tiếp giáp của khoảng hở chung giữa hai nhà. Mặt khác, do yêu cầu của bà N. không được chấp nhận nên yêu cầu buộc tháo dỡ là có cơ sở.
Cả hai bên đều kháng cáo Cuối cùng HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà N., chấp nhận một phần yêu cầu của bị đơn và yêu cầu phản tố, buộc bà N. tháo dỡ tường rào mặt tiền tại vị trí tiếp giáp với tường rào nhà bà L. HĐXX cũng kiến nghị UBND quận Bình Thạnh điều chỉnh lại giấy chứng nhận đã cấp cho vợ chồng bà L. theo hướng cộng thêm 1,25 m2 thuộc phần cuối của khoảng hở có tranh chấp. Sau phiên xử, do không đồng tình với bản án sơ thẩm nên cả bà N. và bà L. đều kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi TAND TP.HCM xử phúc thẩm. |