Theo Reuters, một khi Mỹ rút, khả năng lớn thỏa thuận sẽ đổ vỡ và Iran có thể trả đũa quyền lợi Mỹ và đồng minh ở Trung Đông.
Thứ nhất, tại Iraq, Iran có thể chỉ đạo lực lượng tay súng người Shiite mà Iran đào tạo và vũ trang ở Iraq để đánh IS chống phá Mỹ ở chiến trường này.
Thứ hai, tại Syria, hiện tại Iran và các nhóm dân quân thân người Shiite và cả nhóm vũ trang Hezbollah mà mình bảo trợ đã là nỗi đau đầu với 2.000 binh sĩ Mỹ và đồng minh Israel. Thỏa thuận hạt nhân không còn, Iran và các lực lượng mình bảo trợ sẽ tăng áp lực buộc Mỹ rút khỏi Syria, không ngăn cản các lực lượng này tấn công Israel.
Thứ ba, tại Lebanon, Hezbollah và các đồng minh chính trị kiểm soát hơn nửa số ghế trong quốc hội. Trong khi đó, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri, được các nước phương Tây ủng hộ, lại thuộc phe đối lập. Nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran có thể tăng áp lực để Hezbollah cô lập Thủ tướng al-Hariri, một diễn biến có nguy cơ gây bất ổn Lebanon.
Thứ tư, tại Yemen, Iran không chính thức thừa nhận có vai trò quân sự trực tiếp ở Yemen dù Mỹ và Saudi Arabia nói Iran vũ trang phe nổi dậy Houthi ở đây. Houthi từng nhiều lần nã tên lửa vào Saudi Arabia - nước đối đầu Iran trong khu vực. Nếu thỏa thuận hạt nhân không còn, Iran có thể tăng ủng hộ Houthi, buộc Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh phải có phản ứng.
Thứ năm, nhiều quan chức Iran từng nói một khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ sẽ rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), một bước đi báo động toàn cầu. Nếu không thì Iran cũng sẽ tăng làm giàu uranium - việc vốn đang bị thỏa thuận hạt nhân kiềm chế, tăng nỗi lo Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.