Kênh đào Suez, Panama cùng ‘gặp nạn’, thương mại thế giới điêu đứng

(PLO)- Các công ty sản xuất và các doanh nghiệp vận tải hàng hải gặp không ít khó khăn khi kênh đào Panama rơi vào tình trạng thiếu nước, trong khi đường qua kênh đào Suez tiềm ẩn rủi ro bị tấn công.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Wall Street Journal, hạn hán kéo dài khiến đơn vị điều hành kênh đào Panama phải cắt giảm số lượt tàu qua kênh. Phí di chuyển qua kênh đào các tàu phải trả hiện đắt hơn bình thường khoảng 8 lần.

Tại kênh đào Panama trong một ngày gần đây, hơn 50 tàu chở khí và thực phẩm xếp hàng để chờ được đi qua.

Cách đó hơn 11.000 km, các tàu vận chuyển container muốn qua kênh đào Suez (Ai Cập) phải chờ hải quân hộ tống. Các tàu này lo ngại rằng thủy thủ đoàn có thể gặp nguy hiểm trong hành trình qua Biển Đỏ do các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis (Yemen).

Nếu không đi qua kênh đào Suez, họ phải tránh hoàn toàn tuyến đường này và chấp nhận đi vòng qua phía nam châu Phi để đến được châu Á an toàn.

Kênh đào Suez và kênh đào Panama ‘gặp nạn’, thương mại thế giới điêu đứng
Một góc của kênh đào Panama hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Vấn đề của kênh đào Suez là do yếu tố địa chính trị, trong khi vấn đề ở kênh đào Panama là do khí hậu gây nên. Tuy nhiên, những vấn đề tại cả hai kênh đào đều đang làm xáo trộn thương mại toàn cầu.

Khối lượng hàng hóa qua kênh đào Suez và kênh đào Panama đã giảm hơn 1/3. Hàng trăm tàu đã chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn, dẫn đến thời gian giao hàng kéo dài, chi phí vận chuyển cao hơn và gây thiệt hại kinh tế đối với các quốc gia sở hữu kênh đào.

Kênh đào Panama thiếu nước

Kênh đào Panama đang trong thời kỳ khô hạn nhất. Các quan chức hy vọng hạn hán sẽ giảm bớt vào cuối mùa khô (vào tháng 5).

Khoảng 14% thương mại đường biển ra vào nước Mỹ đều đi qua kênh đào Panama. Một số quốc gia Mỹ Latinh sử dụng kênh đào này để vận chuyển khoảng 1/4 lượng hàng xuất khẩu của họ.

Trong điều kiện bình thường, một tàu chở đầy hàng có thể di chuyển tự do qua hệ thống kênh đào Panama. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn hán, nhà điều hành kênh đào lo ngại do mực nước thấp, các tàu không thể đi qua nếu không giảm tải trọng. Ngoài ra, số lượng tàu được phép đi qua kênh đào Panama trong mùa hạn hán ít hơn bình thường.

Thông thường, nhà điều hành kênh đào Panama thường cho phép khoảng 36 tàu qua lại mỗi ngày. Tuy nhiên, họ đã giảm con số này xuống còn 24 tàu vào tháng 11-2023.

Dorian LPG là công ty vận chuyển khí tại Mỹ. Thông thường, công ty này chọn kênh đào Panama để chuyển hàng đến các đối tác ở Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Khi đi qua kênh đào Panama, tàu của Dorian LPG mất khoảng 25 ngày để đến được khu vực Đông Bắc Á, ngắn hơn nhiều so với con số 40 ngày khi tàu đi qua kênh đào Suez.

Tuy nhiên, do nhà điều hành kênh đào Panama giảm lượng tàu được phép đi qua, Dorian LPG đã chuyển hướng tàu đi qua kênh đào Suez. Nhưng đến tháng 12-2023, sau khi Houthis mở các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, Dorian LPG không dám đưa tàu qua kênh đào này.

Giờ đây, các con tàu của Dorian LPG buộc phải qua kênh đào Panama, trong bối cảnh phải chờ đợi lâu hơn và giá cả cao hơn.

kenh-dao-Suez-va-kenh-dao-Panama.jpg
Một tàu đi qua kênh đào Panama. Ảnh: GETTY IMAGES

Đối với những khách hàng ưu tiên của kênh đào Panama, một chuyến đi qua kênh đào này có giá khoảng 500.000 USD. Trong khi đó, với những công ty như Dorian LPG, họ phải đấu thầu để được đi qua kênh đào.

Hạn hán cùng chi phí đắt đã khiến lượng tàu qua kênh đào Panama trong tháng 1 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Kênh đào Panama cũng là nguồn cung cấp nước cho khoảng 2,5 triệu người, tương đương khoảng một nửa dân số Panama. Do đó, hạn hán cũng ảnh hưởng người dân và các doanh nghiệp địa phương.

Nguy cơ bị tấn công khi qua kênh đào Suez

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, khối lượng thương mại đi qua kênh đào Suez đã giảm hơn 40% trong giai đoạn từ tháng 12-2023 đến tháng 1-2024 so với cùng kỳ. Nhiều tàu vận chuyển hàng xuất khẩu của châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải, cùng với một số tàu chở dầu lớn nhất thế giới (vận chuyển dầu từ Trung Đông) thường đi qua kênh đào Suez.

Maersk (Đan Mạch), Hapag-Lloyd (Đức) và các hãng vận tải đường biển lớn khác vẫn chưa quay trở lại Biển Đỏ. Giám đốc điều hành Maersk – ông Vincent Clerc cho biết: “Để quay trở lại, chúng tôi cần đảm bảo thủy thủ đoàn và tàu của chúng tôi không gặp rủi ro. Cho đến nay, tình hình vẫn leo thang và tôi không biết liệu các cuộc tấn công vào lực lượng Houthis có giúp ích được gì hay không”.

Tuy nhiên, không phải tất cả tàu đều rời bỏ kênh đào Suez.

Đối với các tàu muốn đi qua kênh đào Suez và đi vào Biển Đỏ, họ phải thuê lực lượng bảo vệ có vũ trang để giúp đẩy lùi các cuộc tấn công. Các chủ tàu cho biết việc thuê lực lượng bảo vệ có thể khiến họ tốn thêm khoảng 40.000 USD cho mỗi chuyến hành trình qua Biển Đỏ.

Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez – ông Osama Rabie cho biết doanh thu phí do các tàu đi qua kênh Suez trả trong tháng 1 đã giảm gần một nửa, xuống còn 428 triệu USD, so với 804 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Cùng với du lịch, kênh đào Suez là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập.

3f685e29bd2dda920764dc258ffd389e7b243fee.jpg
Một tàu đi qua kênh đào Suez vào tháng 12-2023. Ảnh: BLOOMBERG

Tại Ai Cập, quanh khu vực kênh đào Suez có nhiều tàu tiếp tế. Các tàu này thường xuyên hoạt động trong khu vực kênh đào, cung cấp dịch vụ kéo tàu, thực phẩm, dầu nhờn và phụ tùng thay thế cho các tàu lớn.

Ông Eman Ayad là chủ của một tàu tiếp tế như vậy. Ông thừa kế chiếc thuyền từ cha mình khoảng một thập niên trước và nó là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình ông. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Houthis khiến lượng tàu thuyền qua kênh đào giảm, khiến sinh kế gia đình ông Ayad bị ảnh hưởng.

“Nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa, tôi sẽ phải bán [tàu kéo] để trả nợ” – ông Ayad nói.

Các doanh nghiệp ứng phó ra sao?

Ông Tim Hansen – nhân viên cấp cao của công ty vận chuyển khí Dorian LPG (trụ sở tại Mỹ) – cho biết: “Đây là lần đầu tiên cả hai kênh đào đều bị gián đoạn đồng thời. Vì vậy, bạn phải lên kế hoạch trước cho hành trình của tàu và bạn sẽ phải trả rất nhiều tiền hơn”.

Các vấn đề này chưa ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp đang bắt đầu cảm nhận được những tác động.

Các công ty sản xuất ô tô Tesla và Volvo đã tạm dừng sản xuất xe trong 2 tuần vào tháng 1 vì thiếu phụ tùng. Trong khi đó, một số công ty may mặc đã chọn vận chuyển hàng bằng đường hàng không thay vì đường biển để đảm bảo hàng hóa đến đúng giờ.

Đại dịch COVID-19 đã giúp các doanh nghiệp có được bài học về việc giải quyết tình trạng thiếu hàng hóa. Do đó, nhiều doanh nghiệp trữ lượng hàng lớn trong kho để tránh hết sản phẩm.

Ông Jesper Brodin – Giám đốc điều hành của công ty Ingka Group (trụ sở tại Hà Lan) cho biết sự gián đoạn tại khu vực kênh đào Suez đã kéo dài thời gian di chuyển của các tàu trung bình khoảng 10 ngày, nhưng người tiêu dùng vẫn không bị ảnh hưởng.

“Sự khác biệt lớn nhất là chúng tôi đã phục hồi sau đại dịch. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị lượng lớn hàng trữ kho” – ông Brodin nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm