Ngày 2-3, chính phủ Yemen cho biết tàu chở hàng Rubymar (thuộc sở hữu của Anh) bị nhóm vũ trang Houthis tấn công hồi tháng trước đã chìm ở Biển Đỏ, sau nhiều ngày lên đênh trên biển. Chính phủ Yemen cảnh báo sự cố này có thể gây ra một “thảm họa môi trường” từ phân bón trên tàu.
Đây có thể là tàu đầu tiên bị chìm kể từ khi Houthis tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các tàu trên Biển Đỏ từ tháng 11-2023, theo hãng tin AFP.
Tàu chìm ở Biển Đỏ sau khi trúng hai tên lửa của Houthis
Ngày 18-2, tàu Rubymar mang cờ Belize (một quốc gia Trung Mỹ), do Anh đăng ký và do Lebanon điều hành, chở 41.000 tấn phân bón qua Biển Đỏ thì trúng hai tên lửa của Houthis.
Công ty Blue Fleet Group - nhà điều hành con tàu - cho biết một tên lửa bắn trúng mạn tàu, khiến nước tràn vào phòng máy và đuôi tàu bị cong. Tên lửa thứ hai bắn trúng boong tàu.
Kể từ đó, tàu Rubymar chìm dần trong nước và để lại vết dầu loang dài 29 km, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết hôm 24-2.
Đầu tuần này, Yemen đã cử một nhóm đến kiểm tra tàu Rubymar và cho biết nó đã bị chìm một phần.
Ngày 2-3, Yemen ra tuyên bố rằng con tàu đã chìm ở phía nam Biển Đỏ vào đêm 1-3.
Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Anh (UKMTO) ngày 2-3 cũng báo cáo về một con tàu chìm ở Biển Đỏ nhưng không xác định được danh tính.
Thảm họa môi trường khi tàu chìm ở Biển Đỏ
Thông báo về vụ chìm tàu, Ngoại trưởng Yemen - ông Ahmed Awad bin Mubarak viết trên X (trước đây là Twitter): “Vụ chìm tàu Rubymar là một thảm họa môi trường mà Yemen và khu vực chưa từng trải qua trước đây. Đây là một bi kịch mới cho đất nước và nhân dân Yemen. Mỗi ngày chúng ta phải trả giá cho những cuộc phiêu lưu của Houthis”.
Ông Ali Al-Sawalmih - giám đốc Trạm Khoa học Hàng hải tại ĐH Jordan (thủ đô Amman, Jordan) cho rằng việc thải hàng chục tấn phân bón gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển.
Theo ông Al-Sawalmih, tình trạng quá tải chất dinh dưỡng (hiện tượng phú dưỡng) có thể kích thích sự phát triển quá mức của tảo và tạo ra nhiều oxy đến mức sinh vật biển thông thường không thể tồn tại.
“Các quốc gia Biển Đỏ cần thông qua một kế hoạch khẩn cấp để thiết lập chương trình giám sát các khu vực bị ô nhiễm cũng như áp dụng chiến lược làm sạch” - ông Al-Sawalmih nói.
Ông Xingchen Tony Wang - PGS tại Khoa Khoa học Trái đất và Môi trường của ĐH Boston (Mỹ) nhận định rằng tác động tổng thể của vụ chìm tàu phụ thuộc vào cách các dòng hải lưu giải phóng phân bón khỏi con tàu.
“Nếu con tàu được trục vớt trước khi xảy ra rò rỉ phân bón đáng kể thì có thể ngăn chặn được một thảm họa sinh thái lớn” - ông Wang nói.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi các cuộc tấn công của Houthis vẫn tiếp diễn, sẽ khó khăn hơn cho các hoạt động giải cứu như vậy.