“Hiện nhà thầu đang thực hiện các bước chuẩn bị, đặt ống nằm sâu dưới đáy biển Cần Giờ và dự kiến ngày 20-3 sẽ bắt đầu kéo cáp ngầm 22 kV ra xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ” - ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), thông tin với Pháp Luật TP.HCM.
Theo ông Bảo, hiện cáp ngầm xuyên biển đã xuất xưởng, đang được vận chuyển về Việt Nam (ngày 19-3 sẽ về đến TP.HCM). Dự kiến ngày 10-4 hoàn tất thi công kéo cáp và toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành trong dịp 30-4.
Mong chờ nguồn điện quốc gia
Xã đảo Thạnh An nằm tách biệt hoàn toàn với phần đất liền của TP.HCM, bốn bề là các sông và cửa biển Cần Giờ. Mỗi ngày chỉ có vài chuyến tàu từ xã ra vào đất liền. Chính vì sự cách trở về địa lý như vậy nên lâu nay người dân trên đảo thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là nước sạch, điện… Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân trong xã, cho hay lâu nay người dân ở đây được cung cấp điện 24/24 giờ từ máy phát diesel nhưng chỉ có thể dùng cho sinh hoạt. “Nguồn điện hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh. Chúng tôi không thể đầu tư nhà máy nước đá mà phải đánh tàu thuyền về Cần Giờ hoặc qua Đồng Nai để mua, mang ra” - ông Thắng nói.
Chiếc xà lan đang được định vị chắc chắn giữa luồng tàu biển để đảm bảo việc xẻ rãnh, đặt ống nhựa không bị lệch so với lộ trình đã được xác định. Ảnh: MP
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cũng cho hay: Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, nguồn điện lưới quốc gia sẽ tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
“Hiện xã có khoảng 4.700 người dân và theo kế hoạch sẽ di dời khoảng 400 hộ để giảm bớt những thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai. Sau khi di dời, xã sẽ sắp xếp lại dân cư, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, đẩy mạnh các cơ sở, dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bên cạnh các ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và làm muối. Như vậy nhu cầu điện trong tương lai còn tăng hơn” - ông Tuấn dự báo.
Kéo cáp băng ngang luồng tàu biển
Đây là dự án kéo cáp ngầm xuyên biển, nối với lưới điện quốc gia thứ tư của cả nước, sau dự án kéo cáp ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cô Tô (Quảng Ninh) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, dự án kéo cáp ngầm ra xã đảo Thạnh An lại có điểm khác biệt với ba dự án trên là đường cáp ngầm đi xuyên qua luồng hàng hải, nơi tàu biển ra vào các cảng biển ở TP.HCM. Ông Lê Đình Quý, Phó phòng Kỹ thuật Ban quản lý Dự án lưới điện TP.HCM (thuộc EVN HCMC), cho biết đặt đường ống dưới đáy biển là công việc đặc biệt quan trọng của dự án.
“Nhà thầu thi công đang xẻ rãnh sâu dưới đáy biển để đặt đường ống nhựa từ đầu bờ thị trấn Cần Thạnh đến bờ xã Thạnh An. Dự kiến đến giữa tháng 3 sẽ hoàn tất việc lắp đặt đường ống để sau đó thi công kéo cáp” - ông Quý nói.
Kỹ sư Nguyễn Đình Lý (thuộc nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Thái Dương - NMS) thông tin thêm: Trong những ngày này, đội ngũ công nhân, kỹ sư làm việc 24/24 giờ, tập trung cho việc thi công băng ngang luồng chính để giảm thiểu ảnh hưởng đến việc tàu biển ra vào. Ngoài ra, do vùng biển này có dòng chảy lớn, con nước lên xuống khá cao nên cũng gây không ít khó khăn cho việc thi công.
“Chính vì điều này chúng tôi càng đặc biệt chú ý đến việc thực hiện các nguyên tắc an toàn. Trong thiết kế, cáp ngầm sẽ được đặt trong các đường ống được chôn sâu (2-6 m) hơn bình thường (khoảng 2 m) so với đáy biển để phòng trường hợp có duy tu, nạo vét luồng hàng hải vẫn không ảnh hưởng đến” - ông Bảo bổ sung.
Sản lượng điện của xã Thạnh An năm 2014 khoảng 1,3 triệu kWh. Giá thành nguồn điện từ máy phát bằng dầu diesel cao gấp ba lần mức bình quân nhưng lâu nay EVN HCMC vẫn bán điện cho người dân theo mức giá chung nên hằng năm tổng công ty phải bù lỗ trên 10 tỉ đồng. Điều đáng nói nhất là nguồn điện từ máy phát bị khống chế công suất nên xã Thạnh An không thể phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ hậu cần nghề cá. Do vậy EVN HCMC quyết định đầu tư khoảng 170 tỉ đồng xây mới tuyến cáp ngầm 22 kV vượt biển đưa nguồn điện lưới quốc gia ra xã đảo. Dự án sẽ xây dựng mới hai trạm ngắt 22 kV, một tại bờ thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), một phía bờ xã Thạnh An và mạch cáp ngầm 22 kV dưới biển dài gần 6 km nối hai trạm ngắt vừa nêu. Ngoài ra, trên cạn cũng có một mạch cáp ngầm chuyên dụng 22 kV, tuyến cáp quang 110 kV dẫn điện từ Cần Giờ đến trạm ngắt Cần Thạnh (để truyền điện xuyên biển qua xã đảo Thạnh An) và thiết bị giám sát nhiệt độ cho tuyến cáp biển… Ông PHẠM QUỐC BẢO, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC 10 tỉ đồng là mức bù lỗ hằng năm của EVN HCMC do việc chạy máy dầu, phát điện cung cấp cho xã Thạnh An. |