Từ 6 giờ 30 ngày 1-8 (ngày đầu mở cửa trạm thu phí ô tô qua cầu Bình Triệu 1, quận Thủ Đức, TP.HCM), đơn vị thu phí là Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) buộc phải để ô tô tự do qua trạm do khu vực bị ùn ứ nghiêm trọng.
Ùn ứ hơn 1 km
Khoảng 6 giờ, lượng xe từ TP.HCM qua cầu Bình Triệu 1 để về Bình Dương theo hướng quốc lộ 13 bắt đầu đông dần. Đến khoảng 6 giờ 30 đã có hiện tượng ùn ứ tại ngã tư Bình Triệu, trong khi hàng ngàn phương tiện vẫn nối đuôi đổ dồn về đây. Lúc này, nhân viên trạm thu phí cầu Bình Triệu buộc phải dỡ thanh chắn để ô tô qua tự do.
Dù vậy, cảnh kẹt xe vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều giờ liền với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Có lúc dòng ô tô nối đuôi nhau từ ngã tư Bình Triệu đến tận cổng Bến xe Miền Đông (trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh). Nhiều ô tô khi đổ dốc cầu Bình Triệu 1 đã lấn trái sang làn đường dành cho người đi xe máy khiến nhiều người phải leo lên vỉa hè. Ở chiều ngược lại cũng xảy ra tình trạng tương tự khi hàng ngàn ô tô, xe máy ken đặc trên quốc lộ 13, kéo dài từ ngã tư Bình Triệu đến gần cầu Ông Dầu cách đó khoảng 1 km.
Từ 6 giờ 30 ngày 1-8, các loại xe nêm kín tại khu vực cầu Bình Triệu 1, trạm thu phí không thể hoạt động được. Ảnh: MP
Chiều cùng ngày, tình trạng kẹt xe lại tái diễn vào giờ cao điểm và kéo dài nhiều giờ liền. Một lần nữa, CII phải xả trạm thu phí để giảm ùn ứ trong khu vực.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Quang Châu, Giám đốc Đầu tư CII, cho biết hiện mặt đường quốc lộ 13 gần ngã tư Bình Triệu đang được rào chắn để thi công. Việc thu hẹp mặt đường đã dẫn đến tình trạng ùn ứ chứ không phải do trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 gây ra. “Kẹt xe vẫn xảy ra ngay khi đã xả trạm thu phí. Tôi cho rằng trong vài ngày nữa, khi mặt đường quốc lộ 13 được thảm nhựa xong thì sẽ không còn xảy ra tình trạng tương tự” - ông Châu nói.
Dỡ trạm nếu gây kẹt xe
Dù từ 0 giờ ngày 1-8 CII bắt đầu thu phí nhưng theo một người dân địa phương thì: “Khoảng gần 20 giờ 30 ngày 31-7 họ mới gấp gáp treo băng rôn thông báo và chỉ vài giờ sau là thu phí ngay. Đúng là CII được quyền thu phí vì TP.HCM đã cho phép nhưng lẽ ra họ nên hoãn một thời gian, chờ tháo dỡ xong các rào chắn trên đường rồi hẵng thu”.
Về điều này, ông Châu lý giải: CII tiến hành thu phí từ ngày 1-8 là thực hiện theo quyết định của UBND TP. Nhưng công ty không cố thu lấy được mà chỉ thu phí trong thời điểm ít xe. Khi lượng xe đông CII sẽ cho xả trạm.
Theo ông Châu, trước khi xây trạm CII đã tính toán năng lực thông xe của các cửa thu phí và cam kết dù thu phí trong giờ cao điểm cũng không gây ra kẹt xe. Ngoài ra, trong 45 ngày thu phí thử nghiệm trước đây, dù có rơi vào những ngày lễ nhưng trạm thu phí không gây ra kẹt xe.
“Do trạm nằm gần ngã tư Bình Triệu, nơi thường xuyên phải đóng đường ưu tiên cho tàu hỏa nên dễ xảy ra ùn ứ. Khi đó, CII sẽ xả trạm, không thu phí. Tôi cũng khẳng định nếu việc thu phí làm phát sinh kẹt xe ở khu vực này thì CII sẽ dời trạm thu phí đi nơi khác” - ông Châu cam kết.
Chưa biết sẽ thu phí trong bao lâu Hiện nhiều tiểu dự án trong dự án cầu đường Bình Triệu 2 (như mở rộng quốc lộ 13, đường Ung Văn Khiêm, xây dựng nút giao đài liệt sĩ…) chưa được thực hiện nhưng CII lại thu phí qua cầu Bình Triệu 1. Điều này khiến nhiều người cho rằng họ đang phải trả tiền cho một món hàng chưa hoàn thiện. Theo ông Dương Quang Châu, trước đây CII đã hoàn vốn cho đơn vị đầu tư, xây mới cầu Bình Triệu 2 và cải tạo, nâng cấp một số đoạn đường quanh Bến xe Miền Đông. CII còn chi gần 84 tỉ đồng để nâng cấp, sửa chữa và mở rộng cầu Bình Triệu 1. Theo hợp đồng BOT của dự án cầu đường Bình Triệu 2, phần 1, giai đoạn 2 thì CII được phép thu phí một chiều cầu Bình Triệu 1 để thu hồi vốn cho cả hai tiểu dự án trên. Cũng theo hợp đồng (được ký năm 2009), việc thu phí cầu Bình Triệu 1 sẽ kết thúc sau năm năm ba tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí. Lẽ ra CII được thu phí từ năm 2011 (khi việc nâng cấp, mở rộng cầu Bình Triệu 1 hoàn thành - NV) nhưng đến nay họ mới bắt đầu thu phí nên thời gian thu phí sẽ phải tính toán lại. |
MINH PHONG