Ngày 5-8, UBND TP Đà Nẵng sơ kết sáu tháng thực hiện Chỉ thị 43 của Đà Nẵng về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chánh Văn phòng UBND TP, Tổ trưởng Tổ liên ngành 43 (tổ giám sát thực thi Chỉ thị 43 của Thành ủy Đà Nẵng) bước đầu người dân đã bắt đầu tham gia cùng chính quyền.
Trong báo cáo do ông Nam ký đã ghi nhận một số cách làm hay. Đặc biệt là việc huyện Hòa Vang phát động “toàn dân tham gia phát hiện, bắt giữ đối tượng dán quảng cáo, rao vặt”. Theo đó, huyện kêu gọi người dân phát hiện, chụp ảnh và bắt giữ người dán quảng cáo, rao vặt rồi báo cho UBND huyện. Từ cách làm này, đến nay gần như không còn tình trạng quảng cáo rao vặt sai quy định và tình trạng chèo kéo, đu bám khách du lịch xảy ra ở huyện này.
Bắt giữ rồi giao cho chính quyền
Dù ông Nam là người ký báo cáo trên song khi phóng viên liên hệ để trao đổi việc “việc phát động toàn dân bắt giữ người dán quảng cáo” thì ông Nam trả lời: “Không biết. Đây là việc của Sở VH-TT&DL”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định mô hình trên được làm khắp Đà Nẵng chứ không chỉ ở huyện Hòa Vang. “Khi người dân phát hiện ra đối tượng dán quảng cáo, rao vặt trái phép thì bắt giữ giao cho chính quyền, công an địa phương. Đây là mô hình chung đang được thực hiện trên toàn TP, trong đó hiệu quả nhất là ở huyện Hòa Vang” - ông Chiến nói.
PV bày tỏ băn khoăn liệu việc này có trái luật không thì ông Chiến nói: “Không bắt mà chỉ đề nghị giữ lại rồi báo ngay cho chính quyền. Đến khi lực lượng chức năng đến thì bàn giao (cả tang vật vi phạm) chứ không phải người dân giữ người. Công an mới có quyền giữ. Tuy nhiên, việc quảng cáo, rao vặt là trái phép. Nó được nêu trong nghị định nên không lo chuyện (trái luật - PV) đó”.
Cũng theo ông Chiến, người dân chỉ có quyền bắt giữ những người vi phạm trực tiếp (những người dán quảng cáo, rao vặt) rồi báo cho cơ quan chức năng. Người dân không quyền nhốt người nên cũng không sợ lạm quyền.
Các đoàn viên ở Đà Nẵng ra quân bóc, gỡ thông tin quảng cáo rao vặt dán tại trên trụ điện, tường rào. Ảnh: LÊ PHI
Không được tùy tiện bắt giữ
Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng Đà Nẵng không thể cổ động người dân vi phạm pháp luật như vậy. “Theo Điều 20 Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự thì mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Theo đó, không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt giữ người đã bị truy nã. Người dân có thể bắt giữ người phạm tội quả tang, người bị truy nã để bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền. Việc cho quyền người dân bắt giữ là cần thiết, nhằm ngăn ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, đó là bắt các tội phạm theo Bộ luật Hình sự” - luật sư Cao nhấn mạnh.
Theo luật sư Lê Cao, người dán quảng cáo trái phép chỉ vi phạm hành chính, có thể bị xử lý theo Điều 51 Nghị định 158/2013. Do vậy, người dân chỉ có thể yêu cầu, nhắc nhở người vi phạm hoặc thu thập thông tin, chứng cứ rồi báo cho cơ quan thẩm quyền chứ không được bắt giữ. “Đối với vi phạm hành chính thì việc tạm giữ người theo cũng phải theo thủ tục chặt chẽ. Nó chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi như gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác... Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải do cán bộ, cơ quan có thẩm quyền theo Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính chứ không thể thực hiện tùy tiện bởi người dân bình thường” - luật sư Cao nói.
Thưởng nóng cho người báo vi phạm Đà Nẵng đã tẩy xóa, bóc gỡ hơn 476.500 tờ rơi quảng cáo dán ở trụ điện, tường rào, cây xanh. Sở TT&TT TP đã “khóa” 300 số điện thoại (trong tổng số hơn 1.000 số được thống kê) quảng cáo, rao vặt sai quy định và tiếp tục xử lý khoảng 100 số nữa. Cạnh đó, tổ liên ngành 43 cũng xử phạt khoảng 60 người vi phạm quảng cáo, rao vặt... Ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết quận có chính sách thưởng nóng 300.000 đồng cho người dân phát hiện, báo cáo sự việc liên quan đến các vi phạm về văn hóa, văn minh đô thị. Ngoài ra, quận thưởng ngay 500.000 đồng cho người dân “chỉ điểm” các trường hợp chăn dắt trẻ em ăn xin. Tương tự, ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay tại các ngã tư ở quận Thanh Khê đều có cộng tác viên (xe ôm, người bán hàng…). Các “tai mắt” này khi phát hiện người phát tờ rơi, dán quảng cáo thì sẽ điện thoại cho tổ liên ngành 43, công an và chính quyền sở. Nếu lực lượng chức năng đến kịp, bắt được người vi phạm thì người báo tin sẽ được thưởng 300.000-500.000 đồng. Bắt giữ người trái luật có thể bị tù Đà Nẵng vì sốt sắng, nhiệt tình trong việc thực hiện văn hóa, văn minh đô thị mà cổ vũ, phát động người dân trong việc bắt giữ người trái luật là rất đáng lo ngại. Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái luật thì bị xem là tội phạm và có thể bị phạt cảnh cáo, thậm chí phạt tù từ ba tháng đến 10 năm nên người dân cần tỉnh táo. Nếu người dân nghe theo hết thì có khi muốn làm việc tốt lại vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng hơn hành vi trái luật mà người dân muốn góp phần ngăn ngừa. Để ngăn chặn nạn quảng cáo dán tờ rơi vô tội vạ làm hoen ố hình ảnh đô thị thì cần nhiều giải pháp và sự tham gia tích cực của người dân. Tuy nhiên, nếu “đẩy” người dân làm việc trái luật sẽ là điều đáng tiếc. Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng |