Nghệ sĩ Duy Phương đã quyết định khởi kiện HTV ra toà, và đó là một quyết định văn minh, tiến bộ.
Không nhắc nhưng ai cũng biết đó là Duy Phương
Theo tôi, với những chứng cứ ban đầu, Duy Phương thắng chắc. Mức độ bồi thường thì do toà án quyết định.
Trên báo Tuổi Trẻ, Duy Phương nói: “Anh sai, anh phải bồi thường, chứ không phải anh sai, anh làm đủ thứ trò làm thiệt hại, ảnh hưởng đến gia đình người ta rồi anh xin lỗi. Điều đó không chấp nhận được bởi đây là vụ làm ăn.
Tôi làm như vậy mong để mai này không còn những nhập nhằng giống vậy xảy ra nữa. Nhà đài, nhà sản xuất không thể dẫm bừa lên người khác được.
Hồi đó coi cái gì cảm thấy không được là cắt bỏ sao giờ dẫm bừa lên dư luận, dẫm bừa lên cuộc sống của người ta. Cách làm ăn tắc trách quá!”.
HTV khó có thể lập luận là chương trình không nhắc tới Duy Phương nên không có trách nhiệm gì phải bồi thường. Trong trường hợp này, luật sư bên nguyên đơn và các thẩm phán sẽ căn cứ vào việc “Không nói Duy Phương mà ai cũng biết đấy là nói xấu Duy Phương” để xét. Khoản này, không nên cãi toà.
Kiện ai, tòa nào và khả năng thắng
Theo luật, trong vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nguyên đơn có quyền khởi kiện ra tòa án tại nơi thường trú của nguyên đơn hoặc bị đơn. Nghĩa là Duy Phương có thể kiện ra tòa án quận/huyện nơi mình cư trú hoặc kiện ra TAND quận 1 (nơi HTV đóng trụ sở).
Cùng với việc xác định HTV là bị đơn, quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, tòa có thể xác định công ty sản xuất chương trình (ở đây là Công ty Đông Tây Promotion) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Luật sư của Duy Phương sẽ làm gì?
Trong vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, họ sẽ thống kê các thiệt hại phát sinh sau chương trình trên gồm: nguồn thu giảm sút do quán mất khách, giảm thu nhập (chứng minh bằng chứng từ hoặc phương pháp nào đó miễn toà chấp nhận), chi phí phục hồi quán, thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần như bị đau ốm do tác động của sự việc (chứng minh bằng đơn thuốc và chi phí điều trị).
Và, quan trọng nhất là phải chứng minh quan hệ nhân quả, rằng các thiệt hại đó do việc phát sóng chương trình gây ra. Ngoài ra là chi phí luật sư, đi lại, đơn từ…
Riêng về thiệt hại danh dự nhân phẩm thì Duy Phương có thể yêu cầu ở mức cao nhất cũng chỉ bằng 10 tháng lương cơ sở mà luật lao động quy định. Hiện nay mức lương cơ sở là 1,3 triệu đồng/tháng. Vậy cao nhất mà Duy Phương có thể đòi bồi thường danh dự là 13 triệu đồng.
Thiện chí và hậu quả pháp lý
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, HTV và nhà sản xuất chương trình liên kết vẫn còn cửa để né một vụ kiện mà ít nhiều có thể ảnh hưởng đến thương hiệu của mình. Họ có thể thương lượng chấp nhận cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường để Duy Phương rút đơn kiện.
Hoặc quá trình hòa giải, bị đơn và người liên quan vẫn có thể thoả thuận chuyện cải chính, xin lỗi công khai cùng mức và phương thức bồi thường. Khi đó, toà án sẽ ra quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự (có giá trị như bản án) mà không cần phải đưa vụ án ra xét xử…
Nhưng không chỉ có thế.
Trong cả ba trường hợp: Thương lượng rút đơn, thoả thuận bồi thường hoặc bị tuyên thua, nếu phải cải chính, HTV sẽ bị phạt bởi thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn nếu ra tòa mà thua thì bị phạt nặng hơn, trách nhiệm của các nhà báo liên quan tại HTV cũng có thể bị xem xét.
Cách hay nhất là thương lượng sao đó để Duy Phương rút đơn, không khiếu nại nữa và cũng không đòi cải chính, xin lỗi công khai hay bồi thường.
Làm thế nào, điều kiện gì thì… chỉ các bên biết với nhau. Bởi cho đến nay, HTV và cả đơn vị sản xuất vẫn còn nợ nghệ sĩ Duy Phương và khán giả một lời xin lỗi.
Tôi không ủng hộ việc kiện cáo Đây không phải là chương trình trực tiếp, phía nhà đài hoàn toàn có thể kiểm soát được nội dung. Để tránh trường hợp gia đình bị xào xáo chỉ vì chuyện của nhiều năm về trước, phía nhà đài nên trao đổi nội dung cho rõ. Vì hiện tại các con của nghệ sĩ Duy Phương và Lê Giang đã lớn, giờ nhắc lại nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của các con. Cuộc sống gia đình nhiều khi khó tránh khỏi mâu thuẫn. Tôi nghĩ các bên nên ngồi lại với nhau để hoà giải. Đó cũng là cách để HTV rút kinh nghiệm không nên khơi lại chuyện cũ (trong khi đó mình cũng chưa rõ thực hư ra sao). Giả sử các con của hai nghệ sĩ xác nhận mẹ bị đánh là có thật thì việc phát sóng chương trình cũng chỉ phù hợp với thông điệp lên án sự bạo hành gia đình, bởi lúc này không thể xem là chuyện riêng tư. Tuy nhiên, chương trình này lại không phải là chương trình giáo dục, nên theo tôi nghệ sĩ Lê Giang và phía nhà đài nên đứng ra nói một câu để các bên cùng rút kinh nghiệm. Nếu tôi là thẩm phán thụ lý vụ này, tôi sẽ mời các bên lên làm việc để hoà giải và đóng lại hồ sơ. Các bên không nên kiện cáo nhau làm gì… Bà Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao |