Với hơn hai trăm bức tranh thuộc thể loại sơn mài, khắc gỗ, đá quý, tranh kết hợp, các họa sỹ đã mang đến cho công chúng một món ăn tinh thần đậm giá trị văn hóa truyền thống nhưng vô cùng mới lạ cả về ý tưởng, bút pháp cho đến nghệ thuật tạo hình trên các chất liệu từ cổ điển đến hiện đại.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, họa sỹ Ngô Xuân Bính cho biết, ông và các đồng nghiệp Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã chuẩn bị gần hai năm cho buổi triển lãm này.
Những tác phẩm được trưng bày ngày hôm nay chính là tâm huyết sáng tạo đặc biệt hướng về nguồn cội, Niệm về quê hương đất nước. Chính vì vậy, Triển lãm nghệ thuật đương đại Niệm mang đến cái nhìn khác lạ về hội họa, nơi mà nghệ thuật sáng tạo đã được đẩy lên cao trào, trong đó nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, cảm xúc sáng tạo trào dâng, cảm hứng vô thức khoáng đạt.
Bức tranh khổ lớn được họa sĩ Ngô Xuân Bính tặng cho Bộ Ngoại giao.
Niệm giống như đang thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đỉnh cao của hội họa, phát triển sự sâu sắc và uyển chuyển đến giới hạn cao nhất để đưa thế giới nội tâm đa màu sắc vào từng nét vẽ.
Đúng như nhận xét của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức: “Niệm còn là sự dồn nén năng lượng để bùng phá như nham thạch của núi lửa phun trào; là sự cống hiến mà các họa sỹ muốn giới thiệu đến công chúng, người xem những đứa con hoàn toàn tươi mới, biết khóc, biết cười, biết tự mình bộc bạch, yêu hết mình, sáng tạo hết mình, dồn nén – bùng nổ..."
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một bước phát triển của nghệ thuật đương đại, chứng kiến một quy trình không mệt mỏi của các tác giả trên từng tác phẩm của họ. Và tôi nghĩ hôm nay với một khối lượng lớn tác phẩm, họa sỹ Ngô Xuân Bính và Lê Văn Thìn sẽ mang đến diện mạo mới, ngôn ngữ khác, thay đổi cả về chất liệu với những đột phá mới”.
Công chúng tham quan triển lãm.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng bày tỏ, ngoại giao văn hóa có tác dụng to lớn trong việc xây dựng lòng tin, làm sâu sắc và thắt chặt hơn quan hệ giữa các quốc gia. Ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung không chỉ của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp, các địa phương, mọi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Theo Thứ trưởng, ở Niệm tranh mang thông điệp tư duy tâm tưởng với các bức tranh chủ yếu là sơn mài và sơn khắc – chất liệu cổ truyền của hội họa phương Đông.
Triển lãm Niệm diễn ra bắt đầu từ ngày 30-5 và kéo dài hai tháng tại Bảo tàng Hà Nội (Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).