Khi em qua BV ĐH Y Dược khám thì lại bị từ chối không nhận BHYT và yêu cầu em tôi phải đóng toàn bộ tiền khám và thuốc tại bệnh viện này. Theo tôi được biết thì từ 1-1-2016, người có thẻ BHYT được quyền khám khác tuyến nhưng sao tại BV ĐH Y Dược lại không nhận khám bảo hiểm như trường hợp của em tôi? Trường hợp nào được xác định là đi KCB BHYT đúng tuyến?
Bạn đọcTrần Thanh Huy (TP.HCM)
Bảo hiểm xã hội TP.HCMtrả lời: Từ ngày 1-1-2016 chỉ thực hiện thông tuyến huyện trên toàn quốc; trường hợp tự đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh, người tham gia BHYT được thanh toán 48% (60%*80%) chi phí điều trị nội trú đến ngày 31-12-2020, việc thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú trên toàn quốc sẽ thực hiện vào ngày 1-1-2021.
Do BV ĐH Y Dược TP.HCM là bệnh viện tuyến trung ương nên em của bạn khi tự đi KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến trung ương sẽ không được quỹ BHYT thanh toán. Trường hợp em của bạn, BV ĐH Y Dược không nhận khám bảo hiểm là đúng.
Các trường hợp được xem là đi KCB đúng tuyến khi xuất trình thẻ và giấy tờ tùy thân có ảnh:
- Đúng nơi KCB ban đầu ghi trên thẻ.
- Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
- Có giấy chuyển tuyến (ngoài trường hợp được thông tuyến).
- Trường hợp cấp cứu:
+ Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.
+ Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở KCB nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh, hoặc được chuyển đến cơ sở KCB khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn, hoặc được chuyển về nơi đăng ký KCB ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.