“Khẩn trương đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm”

(PLO)- Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm xây dựng cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 29-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ.

“Cán bộ phải có vào có ra, có lên có xuống”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định trong năm qua ngành nội vụ đã có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nội vụ trong năm 2023 cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành nội vụ. “Cần rà soát thể chế liên quan ngành nội vụ xem mắc ở đâu, mắc như thế nào, nội dung gì, cấp nào phải giải quyết, xử lý” - Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu, đôn đốc, hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Cùng với đó là tiếp tục rà soát những quy định liên quan đến công tác, chính sách cán bộ xem vướng ở đâu để giải quyết. Thủ tướng yêu cầu đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đồng bộ, thống nhất; xây dựng cơ chế liên thông cán bộ từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương.

“Cán bộ phải có vào có ra, có lên có xuống, phải rà soát, sàng lọc, cơ cấu, nâng cao chất lượng. Tinh thần này phải quán triệt, cứ ở mãi một chỗ thì không được” - Thủ tướng khẳng định.

Bốn mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của ngành nội vụ

- Tiếp tục góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế luân chuyển cán bộ; đồng thời khẩn trương đề xuất ban hành quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. “Đây là điều rất nhiều nơi mong muốn nên bộ cần tập trung làm” - Thủ tướng nhìn nhận.

Nghiên cứu hoàn thiện chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn

Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện mô hình, chế độ công vụ theo vị trí việc làm. Từ đó, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo quản lý các cấp.

Theo Thủ tướng, đây là vấn đề rất khó nhưng phải làm, vì có được vị trí việc làm mới tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một nhiệm vụ nữa mà Thủ tướng yêu cầu ngành nội vụ cần làm là hoàn thiện bộ máy nhà nước để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thủ tướng ghi nhận năm 2022 Bộ Nội vụ đã làm rất tốt việc này.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành 26 nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ đã thẩm định, đề xuất giảm 17 tổng cục, tám cục, 145 vụ/ban, 22 đơn vị sự nghiệp công lập...

Nói về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nội vụ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Theo ông, Hiến pháp đã quy định về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhưng chúng ta chưa xây dựng được mô hình chuẩn. Ông đề nghị tổng kết việc thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, đánh giá xem cái gì được, cái gì chưa được để tính toán giải pháp phù hợp. Ông lưu ý vấn đề này phải làm nhưng bình tĩnh, không nóng vội...

Thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số

Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay năm 2022 chính quyền TP tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của doanh nghiệp và người dân cũng như khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.

UBND TP triển khai các nhóm giải pháp chuyển đổi số trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó đáng chú ý là phát triển kho dữ liệu dùng chung, tập trung vào cơ sở dữ liệu hộ tịch, y tế, giáo dục, doanh nghiệp, người nộp thuế và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai…

Ông Đức cho hay năm 2023 TP.HCM sẽ tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ xây dựng đô thị thông minh và thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

TP sẽ tiếp tục đưa vào vận hành thống nhất, hoàn thiện theo kế hoạch hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai kết nối, khai thác dữ liệu từ kho dữ liệu của TP... THANH TUYỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm