Chiều 26-12, tại cuộc họp báo thường kỳ cung cấp thông tin của Bộ Nội vụ, báo giới đặt vấn đề vì sao liên tục thời gian gần đây có tình trạng bổ nhiệm cán bộ một thời gian thì nhiều người bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố.
Quy trình năm bước lỏng hay chặt
Từ vấn đề trên, báo giới đặt câu hỏi: “Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ trải qua năm bước áp dụng thời gian qua là lỏng hay chặt? Có cần thiết phải sửa đổi không?”.
Trả lời, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh cho biết cá nhân ông đồng quan điểm với nhận định hiện công tác đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu.
Thời gian qua, theo ông Ninh, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Cạnh đó là Quy định 50 về công tác quy hoạch cán bộ, Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ.
|
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ, trái) và ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, tại cuộc họp báo vào chiều 26-12. Ảnh: THANH TUẤN |
Ông Ninh cho rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn phải thực hiện đồng bộ chủ trương, quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. “Việc này phải tiếp tục kiên trì thực hiện, đồng thời phải khuyến khích cán bộ từ chức khi có vi phạm, khuyết điểm” - ông Ninh nói và thông tin Bộ Nội vụ sẽ rà soát Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cùng với đó là một số luật liên quan để tháng 12-2023 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham mưu, đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung hai luật này. Bên cạnh hoàn thiện thể chế sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đáp ứng yêu cầu.
Để cán bộ dám nghĩ, dám làm… rất khó!
Cũng tại cuộc họp báo, báo giới đặt câu hỏi: “Trong năm 2023 Bộ Nội vụ sẽ xây dựng những chính sách cụ thể nào để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, như Thủ tướng Chính phủ đã giao?”.
Năm 2022, giảm 25 tổng cục, cục
Liên quan đến lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho hay năm 2022 các bộ, ngành trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm tám cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ.
Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho rằng đây là nội dung rất khó, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, một số cơ chế, chính sách pháp luật còn chưa được đồng bộ.
“Ngay cả vụ của tôi, chúng tôi cũng trăn trở thế nào là đổi mới, sáng tạo” - ông Ninh nói đây là nội dung “rất phong phú”, trên tất cả lĩnh vực.
Ông Ninh khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo vấn đề này. Mục tiêu đặt ra là xây dựng được cơ chế bảo đảm cụ thể, phù hợp, hiệu quả trong khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì việc chung.
“Thời gian qua, một số cán bộ, công chức có nhụt chí, không dám đổi mới, không dám sáng tạo để giữ cho mình được an toàn” - ông Ninh nói.
Từ đó, ông Ninh cho rằng cần đưa ra cơ chế để bên cạnh việc khuyến khích được cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che cho những hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bộ Nội vụ cùng TP.HCM nghiên cứu việc lập Sở An toàn
thực phẩm
Cũng tại cuộc họp báo trên, Bộ Nội vụ nêu quan điểm về việc TP.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP).
Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam, đây là nội dung TP.HCM đang đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để trình Quốc hội.
Theo ông Nam, vừa qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã làm việc với TP.HCM và đang giao cho các cơ quan chức năng TP phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, xác định phương án khả thi nhất đối với mô hình quản lý tập trung, thống nhất trong lĩnh vực về ATTP.
Lĩnh vực ATTP có liên quan đến ba bộ, trong đó Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, tham mưu, giúp quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra còn có Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT. Tương tự, ở địa phương cũng có ba sở quản lý lĩnh vực này.
TP.HCM đang thực hiện mô hình thí điểm là Ban ATTP. Theo đánh giá của TP, ban là mô hình tổ chức thực thi, còn chức năng tham mưu vẫn để ba sở thực hiện.
“Ban ATTP trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm đã xây dựng các quy chế phối hợp rất tốt với các sở, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ” - ông Nam nói.
Tuy nhiên, Chỉ thị 17 của Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kiện toàn mô hình để thống nhất đầu mối về lĩnh vực ATTP. Do đó, TP.HCM đang xây dựng đề án thí điểm.
“Bộ Nội vụ trong thời gian tới có trách nhiệm phối hợp với TP nghiên cứu đề xuất với Quốc hội, Chính phủ thí điểm theo mô hình nào là hợp lý nhất để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - vẫn lời ông Nam.