Tình trạng thừa cấp phó so với quy định đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hiện các địa phương đang tém dẹp tình trạng này, sau khi Trung ương quyết liệt tinh giản bộ máy.
Cần Thơ, Bến Tre: Xử lý rốt ráo đầu năm 2018
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho hay TP đã điều chuyển xong đối với những cấp phó của sáu sở, ngành bị dư so với quy định.
Cụ thể, theo quy định của Trung ương, những trường hợp có thông báo nghỉ hưu hoặc trong 12 tháng sẽ nghỉ hưu thì không phải điều chuyển, những trường hợp hơn 12 tháng mới nghỉ hưu thì sẽ điều chuyển. Hiện các sở, ngành đã đảm bảo đúng số lượng ba cấp phó theo quy định.
Theo đó, Sở Nội vụ trước đây dư hai cấp phó thì nay một người đã nghỉ hưu, một người được điều chuyển về làm phó chủ tịch UBND quận Thốt Nốt. Sở KH&ĐT dư hai cấp phó thì có một người đang chờ nghỉ hưu vào tháng 2-2018, một người được điều chuyển về làm phó chủ tịch quận Ninh Kiều.
Sở Y tế dư một cấp phó được điều làm giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền. Ban Dân tộc dư một cấp phó được điều về làm phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị. Văn phòng UBND TP có một cấp phó được điều về làm phó chánh Thanh tra TP.
Đáng chú ý, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hội chợ triển lãm trước đây có năm phó giám đốc nhưng nay có hai người nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108 và một trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm (ông Vũ Minh Hoàng, trước đó được Ban chỉ đạo Tây Nam bộ bổ nhiệm vụ phó không đúng quy định rồi được TP Cần Thơ xin về). Hiện nơi đây thiếu một phó giám đốc.
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, có bốn cơ quan có số lượng cấp phó vượt quy định. Cụ thể là Sở Nội vụ, Sở Công Thương, Sở GD&ĐT cùng dư một cấp phó; Sở NN&PTNT dư hai…
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Huỳnh Thanh Hiếu cho hay nguyên nhân số lượng cấp phó vượt quy định được cho hay là do một số sở, ngành do sắp xếp lại tổ chức bộ máy (sáp nhập các sở) trước khi Nghị định số 24/2014 và các thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có hiệu lực thi hành…
“Sở Nội vụ đã tham mưu và được UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đồng ý phương án sắp xếp đối với số cấp phó dôi dư của từng Sở nêu trên. Trong đó, phương án sẽ tiến hành theo cách vừa thực hiện công tác điều động, bổ nhiệm vừa kết hợp với thực hiện chính sách nghỉ hưu theo quy định và chỉ bổ sung khi cấp phó không đủ số lượng theo quy định” - ông Hiếu cho hay.
Theo đó, đến đầu tháng 11-2017, Sở Nội vụ đã đảm bảo số lượng ba phó giám đốc Sở, do có một phó giám đốc kiêm trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng nghỉ hưu đúng tuổi.
Đối với hai trường hợp còn lại Bến Tre sẽ giải quyết theo hướng đến tháng 3-2018, điều động, bổ nhiệm một phó giám đốc Sở NN&PTNT sang Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi. Cùng đó, tháng 1-2018, tỉnh sẽ điều động, bổ nhiệm một phó giám đốc Sở GD&ĐT giữ chức vụ hiệu trưởng Trường CĐ Bến Tre.
Đà Nẵng khắc phục tình trạng sếp nhiều hơn lính
Tại Đà Nẵng, như chúng tôi đã từng phản ánh có một số sở cũng thừa cấp phó như Sở Y tế có tới năm phó giám đốc; Sở LĐ-TB&XH, Sở Nội vụ cũng có tới bốn phó giám đốc.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết thời gian tới TP Đà Nẵng sẽ khắc phục tình trạng này.
Theo quy định tại Nghị định số 24/2014 (khoản 2 Điều 6) về tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thì số lượng cấp phó sở, ngành và tương đương thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của UBND tỉnh không quá ba người. Riêng số lượng phó giám đốc các sở thuộc UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM không quá bốn người. |
“Đây là thực trạng tồn tại trong cả hệ thống chứ không riêng Đà Nẵng. Sắp đến Đà Nẵng sẽ khắc phục tình trạng này”, ông Đồng nói và cho hay Đà Nẵng cũng đã chủ động rà soát và tuân thủ quy định một sở không có quá ba phó giám đốc, cắt giảm số lượng lãnh đạo bất hợp lý.
Đặc biệt, ông Võ Ngọc Đồng cũng cho biết TP sẽ kiểm soát cơ cấu, định mức tỉ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý với người làm chuyên môn, hỗ trợ, phục vụ.
Theo đó, bộ máy và nhân lực làm gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỉ lệ không quá 1/3. Bộ máy và nhân lực làm chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị.
Các đơn vị dưới 20 người thì có không quá hai phòng; dưới 30 người thì thành lập không quá ba phòng….
Về cấp phó, theo ông Đồng, đơn vị dưới 30 người chỉ một cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người hai cấp phó.
Đơn vị y tế điều trị có từ 150 người trở lên có không quá ba cấp phó. Đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện không quá ba cấp phó.
Ông Đồng cũng cho hay từ nay đến năm 2020 TP Đà Nẵng sẽ giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập với ít nhất 2.000 biên chế.
Đáng chú ý, Sở Nội vụ cũng đang dự thảo chính sách động viên cán bộ lớn tuổi tự nguyện nghỉ thôi việc để bố trí cho cán bộ trẻ. Sở Nội vụ đã phát trên 300 phiếu để thăm dò về dự thảo trên.
Thiếu cấp phó để… đi họp Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho hay một số thời điểm tại một số tổ chức, số lượng cấp phó có vượt so với quy định. Nhiều địa phương cho rằng việc quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các sở, phòng của UBND cho mỗi sở, phòng thuộc UBND là không hợp lý, không phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế-xã hội của mỗi địa phương. Vì thực tế công việc có sở, phòng cần nhiều cấp phó, ngược lại có sở, phòng cần ít cấp phó. Tuy nhiên, theo ghi nhận của đoàn giám sát của Quốc hội, do phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính hiện nay chậm được đổi mới, duy trì các cuộc họp, hội nghị triển khai công việc quá nhiều, không gắn với nguyên tắc làm việc theo chế độ chuyên viên... nên địa phương nào, cơ quan nào cũng thiếu cấp phó để đi họp… |