Đà Nẵng quyết tinh giản 2.000 biên chế và 20 đơn vị

Ông Võ Ngọc Đồng (Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) cho hay năm 1997, TP có 285 đơn vị sự nghiệp công lập với 9.353 người làm việc. Đến năm 2017, Đà Nẵng có 409 đơn vị sự nghiệp với 22.065 người làm việc (trong đó giáo dục chiếm 61%, cơ sở y tế 9%, văn hóa, thể thao 7,6%, lao động, bảo trợ xã hội 3%…).

“Theo báo cáo quyết toán tài chính ngân sách năm 2016 (ngày 14-9-2017), chi thường xuyên là 6.133 tỉ đồng, chiếm khoảng 55,8% tổng chi ngân sách (10.993 tỉ đồng). Chi tiền lương cho bộ máy hành chính, sự nghiệp khoảng 2.500 tỉ đồng, chiếm 41% chi thường xuyên, trong đó khối sự nghiệp chiếm 80%” - ông Đồng cho hay.

Sáp nhập, giải thể hàng loạt đơn vị

Theo đề án này, thời gian thực hiện rải đều trong năm 2017-2018. Cụ thể, đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thì sẽ sáp nhập sáu đơn vị thuộc khối dự phòng và y tế cộng đồng để thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo mô hình CDC của Mỹ.

Trong khi đó, đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa sẽ sắp xếp lại để giảm sáu đơn vị, tinh gọn đầu mối, tập trung nguồn lực chuyên môn trong giai đoạn 2017-2018.

Đà Nẵng quyết tinh giản 2.000 biên chế và 20 đơn vị ảnh 1
Đà Nẵng hạ quyết tâm tinh giản 2.000 biên chế trong năm 2017-2018. Ảnh: LÊ PHI

Sở Công Thương sẽ hợp nhất Trung tâm Xúc tiến thương mại và Trung tâm Khuyến công thành Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Đồng thời, tách Trung tâm Hội chợ triển lãm từ Công ty Quản lý các chợ về đơn vị này quản lý cho phù hợp chức năng, nhiệm vụ.

Quyết tâm tinh giản 2.000 biên chế

Về bộ máy, ông Đồng cho hay bộ máy và nhân lực làm gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỉ lệ không quá 1/3. Bộ máy và nhân lực làm chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị; đơn vị dưới 20 người thì có không quá hai phòng; dưới 30 người thì thành lập không quá ba phòng; từ 30 người đến dưới 150 người thì được thành lập không quá hai phòng gián tiếp; trên 150 người thì thành lập theo tỉ lệ 1/3-2/3 như trên.

Về cấp phó. Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết đơn vị dưới 30 người chỉ một cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người hai cấp phó. Đơn vị y tế điều trị có từ 150 người trở lên có không quá ba cấp phó; sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện không quá ba cấp phó.

Đà Nẵng quyết tinh giản 2.000 biên chế và 20 đơn vị ảnh 2
Đề án này sẽ chấn chỉnh được vấn nạn lạm phát cấp phó và lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Ảnh: LÊ PHI

Được biết khi thực hiện đề án này sẽ tinh giản 2.000 biên chế và giảm gần 20 đơn vị sự nghiệp sau khi đã sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa. Chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị ước khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Đánh giá về đề án này, ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho rằng lâu nay TP có làm nhưng chưa đạt yêu cầu vì đụng đến con người. Có rất nhiều chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động nhưng ta chưa bao giờ dám bàn cụ thể để nhảy vào làm.

“Chúng ta phải thừa nhận là bộ của chúng ta rất cồng kềnh, không thể chấp nhận được. Công việc tương tự giống nhau nhưng chia ra 5-7 đơn vị thực hiện. Nhiều đơn vị thì nhiều trụ sở, cán bộ lãnh đạo thì nhiều mà nhân viên thì ít, lương hướng nhiều nhưng công việc trôi chảy không bao nhiêu” - ông Thơ nhấn mạnh.

Ông Thơ cho biết có đơn vị chỉ 5-7 người, trong đó có một giám đốc, hai phó giám đốc và hai trưởng phòng là hết, không có nhân viên. Như trung tâm giới thiệu việc làm khu công nghiệp nhìn vào toàn là cán bộ, không thấy nhân viên đâu.

Theo ông Thơ, thực hiện đề án này là đụng đến con người. Và tâm lý con người thì không ai muốn mình bị tinh giản, phải về hưu sớm hay tự hạ cấp bậc mình xuống cả.

“Đang làm giám đốc nhưng sau khi sáp nhập lại thì có khi xuống làm phó giám đốc, cũng có khi tụt xuống 2-3 bậc làm trưởng phòng luôn. Vấn đề là đụng đến con người nên khó, nhưng giờ thì cũng phải làm thôi không còn cách nào khác” - ông Thơ nói.

 

Ông Võ Ngọc Đồng cũng cho biết sẽ đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và công tác quản trị đơn vị sự nghiệp, như thí điểm mô hình “Trường học tự chủ” trong ngành giáo dục và đào tạo; nghiên cứu triển khai mô hình “Bác sĩ gia đình” và “Phòng khám đa khoa khu vực” ở một số trạm y tế phường, xã; chuyển giao doanh nghiệp đấu thầu quản lý, vận hành các chợ hạng 2, hạng 3 ở các địa phương.

“Thành lập Hội đồng quản lý và thí điểm, thuê giám đốc điều hành (CEO) ở một số đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ đã giao quyền tự chủ chi thường xuyên để tăng khả năng cạnh tranh dịch vụ theo cơ chế thị trường” - ông Đồng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm