Kháng nghị chồng kháng nghị vụ người phụ nữ điều hành khai thác vàng từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa nhận được kháng nghị phúc thẩm của VKS cùng cấp cùng kháng cáo vụ Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1958) và hai đồng phạm khai thác vàng trái phép tại Đắk Nông.
Theo hồ sơ, giữa tháng 10-2017, Hiền chuyển nhượng một thửa đất có diện tích 15 ha tại thôn 2, xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long. Nguồn gốc đất là do xí nghiệp lâm nghiệp giao cho để trồng và bảo vệ rừng.
Tháng 5-2018 Hiền mua máy móc, thuê nhân công để khai thác vàng trái phép trên đất, bãi vàng cây xoài. Hiền giao cho Hoàng Đức Thức (sinh năm 1984) quản lý, chấm công, tiến hành khai thác.
Các công nhân đục đá tạo thành đường hầm rồi vận chuyển đất đá mang ra ngoài nghiền thành bột, lọc lấy vàng cám, nấu chảy thành cục rồi đem bán cho tiệm vàng.

Kháng nghị chồng kháng nghị vụ người phụ nữ điều hành khai thác vàng từ xa ảnh 1
Toà phúc thẩm nhận được hai kháng nghị, hai kháng cáo đối với vụ án. Ảnh: H.YẾN

Đầu tháng 9-2018, Hiền chuyển về sống tại Thái Nguyên và giao cho Thức toàn bộ cơ sở sản xuất để tiếp tục tổ chức khai thác vàng. Hai bên thỏa thuận chia lợi nhuận theo tỷ lệ 50:50 hàng tháng. Thức lập sổ chấm công quản lý hoạt động thu chi báo cho Hiền biết.

Ngày 7-3-2019, Hiền thuê Nguyễn Văn Quý (sinh năm 1983) trông coi khai thác vàng cùng Thức, lương 6 triệu/tháng… Quý kiểm tra khối lượng vàng khai thác được, cùng Thức nấu vàng và bán vàng.
Theo cơ quan tố tụng, từ khoảng tháng 5-2018 đến cuối năm 2019, cả ba tổ chức khai thác vàng không có giấy phép, thu lợi bất chính gần 4,43 tỉ đồng. Trong đó, Hiền và Thức phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ số tiền này, Quý chịu trách nhiệm với số tiền hơn 2,25 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt Hiền hai năm sáu tháng tù, Thức hai năm tù, Quý chín tháng ba ngày tù về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Sau đó, Viện trưởng VKS tỉnh kháng nghị, không đồng ý áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1 điều 51, BLHS và đề nghị tăng hình phạt với ba bị cáo.
Tiếp đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng có kháng nghị phúc thẩm có nội dung tương tự, không cho ba bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả.
Viện Cấp cao cho rằng hình phạt án sơ thẩm tuyên là quá nhẹ, chưa phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả do các bị cáo gây ra. Các bị cáo thực hiện hành vi khai thác vàng với quy mô lớn, có sự phân công trong quản lý điều hành và sử dụng máy móc, trang thiết bị vào việc khai thác được tiến hành trong một thời gian dài làm tác động xấu đến môi trường tự nhiên tại địa phương.
Ngoài ra, các bị cáo thu lợi bất chính với số tiền lớn nhưng mới chỉ có bị cáo Hiền nộp khắc phục hậu quả được 352,5 triệu.
Quá trình khai thác vàng, bị cáo Thức và Quý đã chuyển toàn bộ số tiền thu được cho Hiền vì Hiền là chủ mưu, Thức chưa hưởng được lợi từ hành vi khai thác này còn Quý chỉ là người làm thuê.
Ngoài mức án chưa tương xứng, việc tòa tỉnh áp dụng tình tiết giảm nhẹ nêu trên là không đúng theo hướng dẫn tại mục 7 Công văn số 212 ngày 13-9-2019 của TAND Tối cao và không đúng với vai trò của hai bị cáo Thức và Quý.
Hai bị cáo Hiền và Thức có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ, hưởng án treo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm