Theo hồ sơ, ông N. khởi kiện vợ chồng bà D. yêu cầu trả nợ vay gốc là 2,1 tỉ đồng. Phía bị đơn không đồng ý vì cho rằng không vay tiền của ông N., không biết nguyên đơn là ai, mà họ chỉ vay tiền của bà P.
Vợ chồng bà D. cho rằng giấy vay tiền đề ngày 6-12-2016 (số tiền 1,5 tỉ đồng) và giấy vay tiền đề ngày 18-1-2016 (600 triệu đồng) mà ông N. cung cấp cho tòa là không đúng. Theo đó, vợ chồng bà D. có ký tên nhưng bên cho vay không ký. Tên ông N. đã được in sẵn trên giấy vay và ngày vay ghi là 26-12-2016 chứ không phải ngày 6-12-2016. Trong khi vợ chồng bà đã trả cho bà P. hơn 2 tỉ đồng, hiện chỉ còn nợ lại 50 triệu đồng.
Người liên quan là bà P. xác nhận vợ chồng bà D. có vay tiền của mình và đã trả xong, không còn nợ. Việc tranh chấp giữa hai bên thì bà không biết.
Tháng 9-2017, TAND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông N. buộc bị đơn phải trả số nợ gốc 2,1 tỉ đồng và tiền lãi 211,5 triệu đồng. Vợ chồng bà D. kháng cáo và cuối năm 2017 TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
Ngày 7-8, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm giải quyết lại.
Theo VKSND Cấp cao, giấy vay tiền ngày 6-12-2016 (ngày vay bị sửa từ ngày 26 thành ngày 6) là giấy vay tiền in sẵn, tên người cho vay là ông N., số tiền là 1,5 tỉ đồng, lãi suất không ghi. Thời hạn vay là bốn ngày (tức vay từ ngày 26-12 đến 30-12), còn theo giấy bị sửa là từ ngày 6-12 đến ngày 30-12 (tức vay 25 ngày).
Kháng nghị cho rằng mặc dù vợ chồng bà D. thừa nhận có viết điền chữ vào mẫu giấy vay in sẵn, có ký tên vay và có vay 1,5 tỉ đồng nhưng họ trực tiếp giao nhận tiền, trả tiền với bà P. Còn ông N. trên giấy vay nợ là ai thì bị đơn không biết, không vay và không trả tiền. Phía bị đơn trình bày do bà P. cho nhiều người vay nên không muốn đứng tên người cho vay trên giấy. Lời trình bày này đáng tin cậy và có cơ sở chấp nhận.
Giấy vay tiền là mẫu in sẵn xác định địa điểm cho vay và chủ thể giao dịch cho vay tên là ông N. Nhưng thực tế vợ chồng bà D. không biết ông N. là ai, trong khi việc vay và nhận tiền rồi việc trả nợ thì lại làm trực tiếp với bà P. Tuy giấy vay tiền 1,5 tỉ đồng không ghi lãi suất nhưng bà D. và bà P. đã thỏa thuận trả lãi 1,5%/ngày thể hiện ý chí tự nguyện với nhau đã được các bên thừa nhận.
Cũng theo kháng nghị, trong trường hợp ông N. là người cho vay thì việc giao nhận tiền với vợ chồng bà D. vào lúc nào, ở đâu chưa được tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm điều tra làm rõ. Nhưng hai bản án lại công nhận ông N. là người cho vay để buộc vợ chồng bà D. trả nợ là chưa có căn cứ vững chắc.
Cạnh đó, theo VKS, giấy vay tiền bị sửa ngày từ số 26 thành 6 mà nguyên đơn thừa nhận là người sửa ngày với mục đích gì chưa được làm rõ. Tương tự, giấy vay tiền 600 triệu đồng đề ngày 18-1-2016, cũng chưa được làm rõ việc sửa ngày với mục đích gì và có đúng ông N. là người cho vay hay không.
Các chứng cứ mà bị đơn cung cấp cho tòa và hai giấy đối chiếu công nợ giữa bà P. và bà D. liên quan đến hai giấy vay tiền trên nhưng tòa án hai cấp chưa xem xét, đánh giá là vi phạm nguyên tắc thu thập, đánh giá chứng cứ theo BLTTDS. Hơn nữa, nếu vợ chồng bà D. có vay tiền ông N. thì sẽ không trả nợ cho người thứ ba là bà P. khi chưa có ủy quyền của ông N.