Quyết định kháng nghị đề nghị HĐXX giám đốc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM xử hủy hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Tuy Phong và TAND tỉnh Bình Thuận để xét xử lại theo thủ tục chung.
Theo hồ sơ vụ án và lời khai của bà Lê Thị Thanh, ngụ Liên Hương, Tuy Phong (Bình Thuận) thì năm 2013 bà còn nợ bà Nguyễn Thùy Vân 200 triệu đồng. Thời điểm này, bà không có khả năng trả nợ. Lúc đó bà Vân đã “dụ dỗ, ép buộc” em T. và em N. (cả hai đều là học sinh, cháu bà Thanh) viết ba giấy mượn tiền đứng tên mẹ mình là bà Lê Thị Mười để mượn bà Vân tổng cộng 220 triệu đồng.
Sau đó bà Vân khởi kiện vợ chồng bà Mười ra tòa đòi nợ. Trong các lần hòa giải, vợ chồng bà Mười không đến vì luôn cho rằng mình không hề mượn tiền, cũng không nhờ con viết giấy mượn tiền. Hơn nữa số nợ trên bà Thanh luôn khẳng định đó là tiền bà đã mượn của bà Vân và sẽ có trách nhiệm trả nợ khi có tiền...
TAND huyện Tuy Phong đã cử cán bộ vào trường học lấy lời khai của hai em T. và N. ngay trong giờ học, gây ảnh hưởng đến tâm lý của hai em. Sau đó, xử sơ thẩm, tòa này tuyên buộc vợ chồng bà Mười phải trả nợ cho bà Vân. Vợ chồng bà Mười kháng cáo. Ngày 30-12-2015, TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm. Tại tòa, đại diện VKS đề nghị bác yêu cầu của bà Vân, sửa bản án sơ thẩm vì không có căn cứ chứng minh vợ chồng bà Mười nhận tiền và có viết giấy mượn tiền… Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Thuận đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc em N. ký giấy mượn 50 triệu đồng vào tháng 11-2013 khi mới 13 tuổi; theo quy định tại khoản 1 Điều 20 BLDS 2005 thì giao dịch vay nợ trên là vô hiệu. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu đối với người chưa thành niên do người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc ký vào giấy mượn tiền của em T. và em N. mà chưa xem xét các vấn đề nêu trên để xử buộc bà Mười phải trả nợ cho bà Vân là không có căn cứ…
Ngoài ra, khi cán bộ tòa vào trường học lấy lời khai, em N. mới 13 tuổi, là người chưa thành niên nhưng tòa lại không mời cha mẹ em làm giám hộ. Trong biên bản lấy lời khai, cán bộ tòa lại không ký tên, không đóng dấu tòa, không ký từng trang, chừa nhiều dòng trống sai nguyên tắc; em N. không được đọc lại và không nghe đọc lại; không có xác nhận của người đại diện hợp pháp của em N. mà chỉ có xác nhận của cô giáo chủ nhiệm.