Sáng 22-9, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa và Hội những người ái mộ Yersin, các nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 158 năm ngày sinh của nhà bác học lừng danh, nhà hoạt động xã hội nhân văn Alexandre Yersin, Công dân danh dự Việt Nam.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các thầy thuốc, Hội những ngưới ái mộ Yersin dâng hương hoa tại khu mộ ông tại Suối Dầu, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Alexandre Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại tổng Vaud, hạt La Vaux, Thụy Sĩ, ông mất ngày 1-3-1943 tại Nha Trang, Khánh Hòa. Gia đình ông gốc Pháp, di cư sang Thụy Sĩ. Tốt nghiệp bác sĩ tại Paris với các nghiên cứu nổi tiếng về bệnh lao và bệnh bạch hầu. Ông nhập quốc tịch Pháp, là cộng sự và học trò xuất sắc của Émile Roux và Louis Pasteur – “ông tổ” vi trùng học. Năm 1891, lần đầu tiên đến Nha Trang, Yersin đã chọn nơi đây để gắn bó trọn đời (hơn 50 năm).
Năm 1894, một mình đến “thành phố chết” Hồng Kông, tuy tới sau, nhưng ông nhanh chóng tìm ra tác nhân gây bệnh và đặt dấu chấm hết cho thảm họa dịch hạch từng cướp đi của nhân loại hàng trăm triệu sinh mạng. Yersin còn là nhà thám hiểm Đông Dương lừng danh, đề xuất kiến tạo thành phố du lịch, nghỉ mát Đà Lạt. Ông sáng lập và là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường thuốc Đông Dương, tiền thân của các Đại học Y và Dược Hà Nội hiện nay (ngày 27-2 thành lập Trường thuốc Đông Dương, sau này được lấy làm Ngày thầy thuốc VN).
Chân dung bác sĩ Yersin.
Ông còn là Viện trưởng sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương, Tổng Thanh tra các viện Pasteur Đông Dương, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp, Chủ tịch danh dự Hội đồng y khoa Viện Pasteur Paris, được nhà nước Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh và triều đình nhà Nguyễn tặng Long bội tinh.
Không chỉ là nhà bác học tài ba, Yersin còn được người dân Khánh Hòa đặc biệt tôn kính bởi các hoạt động nhân văn từ thiện và nhân cách trong sáng, giản dị, khiêm nhường hiếm có. Là người Pháp ở xứ thuộc địa, nhưng Yersin lại được dân địa phương hết sức quý mến, bởi ông luôn che chở giúp đỡ dân nghèo…
Đến nay, di ảnh của ông vẫn được thờ phụng trong nhiều ngôi chùa và nhà dân ở Khánh Hòa, nhiều con đường, trường học, công viên các thành phố, địa phương trên khắp cả nước mang tên ông...Nhiều chính khách Pháp, Thụy Sĩ và chuyên gia y tế quốc tế tên tuổi vẫn nhắc đến Yersin như một niềm tự hào.
Năm 1990, Cụm di tích gồm mộ Yersin ở Suối Dầu, Chùa Linh Sơn và Thư viện Yersin (tại Viện Pasteur Nha Trang) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.