Khánh Hòa tìm giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số

(PLO)- Tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo tìm giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số. 

Ngày 6-10, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp Công an tỉnh, Sở TT&TT tổ chức hội thảo và triển lãm “Đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số".

chuyen-doi-so-3.jpg
Tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo và triển lãm đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Ảnh: H.H

Hội thảo nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số trên một số ngành, lĩnh vực; các sản phẩm, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số phù hợp, sát với nhu cầu, thực tiễn công tác; xây dựng, kết nối mạng lưới chuyên gia, đơn vị cố vấn chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thời gian qua, tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực trong chuyển đổi số như nhận thức và hành động chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến, an ninh an toàn thông tin… được quan tâm tăng cường đầu tư, phát triển.

Theo ông Đinh Văn Thiệu, việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số đặt ra hàng loạt thách thức. Bởi toàn bộ hoạt động được chuyển lên môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin khi các hoạt động tấn công mạng ngày càng gia tăng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay thời gian tới, tỉnh tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược an ninh mạng quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Theo Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó trưởng Phòng 4 Cục A05 (Bộ Công an), Việt Nam có tiềm năng cao về hoạt động kinh tế số nhưng cũng đặt ra vấn đề kiểm soát không gian số, đảm bảo môi trường lành mạnh, an toàn, đáng tin cậy cho các giao dịch số nói chung và giao dịch ngân hàng, thanh toán trên kênh số nói riêng.

chuyen-doi-so-1.jpg
Thượng tá Cao Việt Hùng thông tin về tấn công trực tuyến ở Việt Nam. Ảnh: H.H

Thượng tá Hùng cho biết các website của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tiếp tục là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, đxu hướng tấn công vào các thiết bị như camera, smartTV, sử dụng mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo, đánh cắp thông tin... đang gia tăng.

"Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ nhân viên. Chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an ninh mạng; tăng cường an ninh, bảo mật hệ thống thông tin, phòng chống mã độc, mua bán dữ liệu khách hàng"- Thượng tá Hùng lưu ý.

Tại hội thảo, các diễn giả là các chuyên gia về an toàn, an ninh mạng, phần mềm trình bày nhiều tham luận về tình hình lừa đảo không gian mạng, rủi ro an toàn thông tin cho các hệ thống camera; các phương pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong chuyển đổi số.

chuyen-doi-so-2.jpg
Gian hàng giới thiệu sản phẩm dịch vụ chuyển đổi số của Viettel. Ảnh: H.H

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo thảo các chuyên đề giới thiệu một số giải pháp, sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, camera AI, giới thiệu một số sản phẩm, giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho địa phương, ngành, lĩnh vực.

Gần 42 triệu vụ tấn công trực tuyến vào Việt Nam

Theo thống kê, Việt Nam có 85% dân số sử dụng smartphone với 10 triệu thuê bao di động, 51 triệu thuê bao internet di động, 3G/4G phủ toàn quốc. Tỉ lệ người Việt thanh toán qua smartphone cao thứ hai trên thế giới.

Thời gian qua Việt Nam hứng chịu gần 42 triệu vụ tấn công trực tuyến. Có 57.000 vụ tấn công ransomware được phát hiện và ngăn chặn; tuy nhiên vẫn có 14.500 máy chủ bị nhiễm mã độc.

180.000 máy tính trong các cơ quan, tổ chức bị nhiễm mã độc APT. Thiệt hại do hoạt động tấn công mạng, mã độc gây ra hơn 21.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm