Khảo sát, bảo quản kho bảo vật có vương miện bằng vàng ròng cuối cùng của vua Chăm

Khảo sát, bảo quản kho bảo vật có vương miện bằng vàng ròng cuối cùng của vua Chăm

(PLO)- Đoàn khảo sát kiến nghị cần phải trùng tu các đền thờ và bảo quản bộ sưu tập di tích Hoàng tộc Chăm quí giá.

Ngày 4-10, tin từ Văn phòng HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết, Đoàn khảo sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh vừa tiến hành khảo sát di sản văn hóa vật thể trên địa bàn huyện Bắc Bình về thực hiện các chính sách pháp luật về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2022.

Vương miện của Vua Po Klong Mơh Nai.

Vương miện của Vua Po Klong Mơh Nai.

Đền thờ Po Klong Mơh Nai được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII, là nơi thờ vua Pô Klong Mơh Nai, với quần thể kiến trúc khá đặc thù là kiến trúc đền thờ cổ, gian đền thờ có hệ chịu lực là cột kèo bằng gỗ, tường xây bằng gạch dày và mái lợp ngói.

Toàn bộ đền thờ gồm 5 gian (hỏa hoạn đã thiêu hủy một phòng lớn giữa thế kỷ XIX) được xây trên nền của những ngôi tháp bị đổ nát.

Đền thờ Pô Nít được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII, là nơi thờ tự vua Pô Nít.

Bảng giới thiệu đền thờ vua Po Klong Mơh Nai.

Bảng giới thiệu đền thờ vua Po Klong Mơh Nai.

Năm 2000, Nhà nước đã trùng tu, tôn tạo khôi phục lại từng phần kết cấu kiến trúc nguyên gốc vốn có của các đền thờ trên địa bàn huyện Bắc Bình, qua đó bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể, phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh; lễ hội văn hóa trong cộng đồng Chăm và phục vụ du khách đến tham quan du lịch văn hóa.

Tuy nhiên hiện nay đền thờ Po Klong Mơh Nai; sưu tập di tích Hoàng tộc Chăm; đền thờ Pô Nít có biểu hiện xuống cấp.

Do thời gian một số trang phục của Hoàng tộc đã xuống cấp.

Do thời gian một số trang phục của Hoàng tộc đã xuống cấp.

Trong đó hệ thống cột, kèo gỗ và mái ngói của đền thờ Pô Klong Mơh Nai bị xuống cấp; một số công trình phụ trợ thiết yếu chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo đồng bộ như hệ thống điện, nhà vệ sinh,...

Khu vực vòng ngoài thuộc đất quy hoạch di tích đền thờ do vị trí cắm mốc ranh giới không được rõ ràng, nên một phần nhỏ diện tích của di tích bị lấn chiếm, sử dụng vào mục đích khác.

Sưu tập di tích Hoàng tộc Chăm chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện để bảo quản, trưng bày, đặc biệt là các trang phục của Hoàng tộc.

Đoàn khảo sát làm việc với người thân công chúa Nai Thềm.

Đoàn khảo sát làm việc với người thân công chúa Nai Thềm.

Đoàn khảo sát đã ghi nhận kiến nghị của chính quyền địa phương, ý kiến của gia đình Hoàng tộc Chăm, quản lý đền thờ Pô Klong Mơh Nai và sưu tập di tích Hoàng tộc Chăm.

Đoàn đã đề nghị UBND thị trấn Lương Sơn (Bắc Bình) quan tâm quản lý nhà nước về đất có di tích và tăng cường tuyên truyền trong nhân dân cùng tham gia bảo vệ Di tích Quốc gia trên địa bàn.

Búi tóc của hoàng hậu và vương miện của nhà vua.

Búi tóc của hoàng hậu và vương miện của nhà vua.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm các ý kiến, kiến nghị về trùng tu đền thờ Pô Klong Mơh Nai, đền thờ Pô Nít và Sưu tập di tích Hoàng tộc Chăm; rà soát, khảo sát các nội dung thiết yếu phục vụ bảo tồn văn hóa nhằm bảo tồn những di sản văn hóa vật thể quý giá, ngăn chặn sự hủy hoại của môi trường tự nhiên, góp phần nâng cao giá trị, nét trang nghiêm và vẻ mỹ quan các di tích, di sản.

Sưu tập di sản của Hoàng tộc Chăm còn lại hiện nay mà trước đây người Pháp gọi là “Kho tàng các vị vua Chăm” do các Vua Chăm truyền lại và người được quyền thừa kế và lưu giữ lâu nhất là công chúa Nguyễn Thị Thềm (hay "Nai" Thềm, "Nai" tiếng Chăm là công chúa), hậu duệ của Vua PôKlong Mơh Nai.

Áo bào nhà vua trong bộ sưu tập.

Áo bào nhà vua trong bộ sưu tập.

Năm 1995 công chúa qua đời và người cháu gái thừa kế tiếp theo. Đến năm 2015, bà Đào mất, kho bảo vật được gia đình trưng bày ở ngôi nhà do bà Nguyễn Thị Thềm xây dựng vào năm 1964 tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.

Bộ sưu tập trên bao gồm hơn 100 hiện vật là phương tiện, đồ dùng, trang phục trong cung đình, đa phần là loại độc bản quý hiếm như vương miện của nhà vua và hoàng hậu đúc bằng vàng, chạm trổ điêu khắc tinh vi và công phu.

Búi tóc của hoàng hậu.

Búi tóc của hoàng hậu.

Đặc biệt là vương miện vua Pôklong Mơh Nai bằng vàng và là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm. Vương miện cao 19,5cm, đường kính 19,5cm, đỉnh vương miện có ba đường viền gắn các hạt đá phát sáng với kỹ thuật mà các nghệ nhân Chăm chạm trổ, điêu khắc trên vương miện được xem là tuyệt tác..

Vương miện Hoàng hậu được chạm trổ và cấu tạo hoàn toàn bằng vàng, xung quanh chạm trổ nhiều họa tiết đẹp, cao 9,5cm.

Ngoài ra còn có nhiều loại trang phục của nhà vua, hoàng hậu; đồ dùng bằng bạc, sứ…

Khăn đóng của Hoàng gia.

Khăn đóng của Hoàng gia.

Theo sử Chăm, vua Pô Klong Mơh Nai là một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa. Ông lên ngôi đầu thế kỷ XVII, trị vì xứ Panduranga.

Trong thời gian trị vì, ông đã có công khai thông hệ thống thủy lợi khu vực sông Lũy (Bắc Bình).

Các vua triều Nguyễn sau này như vua Minh Mạng, Duy Tân, Khải Định đều có sắc phong ghi nhận công lao của ông.

Bộ đồ ăn trầu của Hoàng gia.

Bộ đồ ăn trầu của Hoàng gia.

Ngày 13-7-1993, đền thờ Pô Klong Mơh Nai và bộ sưu tập di sản hoàng tộc Chăm chính thức được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia.

Pô Nít là vị vua anh minh của người Chăm. Đền thờ vua được xây trên ngọn đồi ở cuối dòng sông Lũy vào giữa thế kỷ thứ XVII.

Năm 1973, 300 năm sau, đền được dời về làng Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, Bắc Bình và được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2000.

Đọc thêm