Ngày 20-3, đoàn khảo sát gồm nhiều chuyên gia về văn hóa học, lịch sử… đã thử tiếp cận các di sản của TP.HCM bằng đường sông.
Từ bến Bạch Đằng (TP.HCM), đoàn chuyên gia đã lần lượt đi khảo sát các di tích lịch sử, văn hóa dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Qua đó đoàn chuyên gia đã quan sát, tìm kiếm khả năng kết nối các di sản thành một cung đường du lịch văn hóa bằng đường sông trong thời gian tới.
Hàng loạt di sản giá trị dọc sông Sài Gòn - Đồng Nai
Đoàn chuyên gia gồm PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Khoa văn hóa học (ĐH KHXH&NV TP.HCM); GS-TS Phan Thu Hiền, giảng viên cao cấp Khoa văn hóa học (ĐH KHXH&NV tp.hcm); TS Nguyễn Thị Hậu, giảng viên Khoa lịch sử (ĐH KHXH&NV tp.hcm); ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Saigon Waterbus; cùng đại diện từ tỉnh Long An… đã xuất phát đi tàu thủy về phía sông Đồng Nai.
Sau đó, đoàn lần lượt đi khảo sát các di tích ngã ba Nhà Bè, chùa Bửu Long (TP Thủ Đức), cù lao Phố và cụm di tích núi Bửu Long, cù lao Rùa, cù lao Tân Triều…
Dọc đường, khi tiếp cận các di sản này, các chuyên gia đã giới thiệu về các giai đoạn lịch sử cùng giá trị di sản theo thời gian. Điển hình như ngã ba sông Nhà Bè (hiện nay là mũi Đèn Đỏ, quận 7), vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18, công cuộc khẩn hoang được các chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn. Nhiều cư dân Đàng Ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp gặp dòng nước ngược nên đã kết bè trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền.
Về sau, nhiều người cùng kết thành hai, ba chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hóa. Khoảng sông này ngày càng tấp nập, đông vui và địa danh Nhà Bè được ra đời.
Đoàn khảo sát giới thiệu các di sản văn hóa dọc sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Hay chùa Hội Sơn (TP Thủ Đức) nằm trên một ngọn đồi nhỏ có di chỉ khảo cổ chưa được khai quật, di chỉ này nằm phía dưới chùa có niên đại cả 3.000 năm. Đoàn cũng đã tham quan cù lao Phố, nơi mà năm 1679 Trần Thượng Xuyên dẫn hơn 3.000 quân nhân và gia quyến xin phép chúa Nguyễn vào định cư vùng ven sông Đồng Nai, lập nên thương cảng cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) hết sức thịnh vượng vào thời ấy.
Một di sản khác cũng được quan tâm là chùa Đại Giác, nơi có pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ cao 2,25 m do vua Gia Long ban tặng và bức huyết thư viết bằng máu của công chúa Ngọc Anh còn được lưu giữ ở chùa. Ngoài ra còn các đền thờ mang giá trị lịch sử, văn hóa khác như Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông…
Tiềm năng nhưng thiếu cơ sở hạ tầng
TS Nguyễn Thị Hậu, giảng viên Khoa lịch sử (ĐH KHXH&NV tp.hcm), đánh giá: “Đối với du lịch, gần đây chúng ta quan tâm đến phát triển thông qua đường thủy. Bên cạnh sông Sài Gòn chảy trong TP, con sông Đồng Nai có ranh giới tự nhiên mang tính kết nối. Tôi nghĩ rằng phát triển du lịch đường sông qua tuyến này có hai điều thuận lợi”.
Thứ nhất, tuyến kết nối được mạng lưới đường sông, lưu vực sông Đồng Nai có mạng lưới sông cổ, kết nối nhiều sông rạch cho nên về cảnh quan tự nhiên sẽ có xóm làng cổ xưa, văn hóa ẩm thực, cảnh quan nhà vườn… Đây cũng là những yếu tố cho du khách biết thêm về văn hóa Đông Nam bộ.
Thứ hai, lưu vực sông Đồng Nai bắt đầu từ TP cho đến khu vực Đồng Nai thượng, là một vệt có rất nhiều di tích cổ, xa xưa đến văn hóa Óc Eo, hậu Óc Eo rồi đến giai đoạn muộn về sau của thời lưu dân.
“Vì sự kết hợp giữa văn hóa bản địa cổ xưa cùng lớp văn hóa lưu dân của những người đến sau nên có rất nhiều di tích như chùa, di tích văn hóa Óc Eo. Các di tích mang tính kết nối từ không gian đến thời gian, đi từ cửa biển vào chúng ta có thể thấy di tích từ xưa cho đến hiện tại” - TS Hậu nhận định.
Theo TS Hậu, tuyến du lịch đường thủy này là một tuyến rất nhiều tiềm năng, bắt đầu từ bến Bạch Đằng. “Chính việc chỉnh trang bến Bạch Đằng nhắc người dân nhớ là chúng ta còn có yếu tố, tư duy Đông Nam Á cổ, tư duy Nam Bộ là tư duy sông nước” - TS Hậu nói.
Góp ý thêm, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng từ bến Nhà Rồng đến cù lao Phố tuyến đường thủy cũng không dài, chúng ta có thể vẽ ra “con đường” người Việt trong quá trình lưu dân đi vào đất Đồng Nai, Sài Gòn vào thế kỷ 17-18, khai thác giai đoạn lịch sử đó rất tốt.
“Chúng ta còn có cụm di tích như văn miếu, rồi di chỉ chùa Bửu Phong, miếu của người Hoa gắn với nghề đá, nghề rèn… Đi xa hơn nữa, chúng ta có Gò Rùa, có di chỉ khảo cổ cách niên đại chúng ta đến 3.000 năm. Du lịch đường sông sẽ dẫn chúng ta theo chiều lịch sử 3.000 năm, rồi đến 300 năm, về đến TP.HCM hiện đại. Tôi nghĩ nó sẽ phù hợp với ai quan tâm đến chiều sâu lịch sử và chiều sâu văn hóa” - ông Thơ đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Thơ, cơ cở hạ tầng còn phải làm nhiều, như trong buổi khảo sát, đến các chùa, di tích rất khó tiếp cận vì không có bến neo thuyền, bến tàu khách.
Ông Thơ cho rằng chúng ta phải xây dựng các bến bãi, bến cập thuyền, thiết bị như thế nào tiếp cận tàu an toàn. Nhà vệ sinh, nhà nghỉ, nhà chờ cũng cần tính toán, giữa các di sản cần có kết nối bằng các xe chuyên dụng.
“Tôi nghĩ du lịch đường sông sẽ khiến mọi người tách mình ra khỏi cuộc sống hiện đại, thường nhật bận rộn nơi phố thị. Con người có thể hòa mình vào sông nước, tìm đến không gian tĩnh lặng, đủ để cân bằng trạng thái tâm lý, suy nghĩ, khiến chúng ta có nhiều nguồn năng lượng mới hơn” - ông Thơ lý giải thêm.•
Đoàn sẽ tiếp tục khảo sát tuyến sông Sài Gòn Sau chuyến khảo sát tuyến sông Đồng Nai, đoàn chuyên gia sẽ tiếp tục khảo sát tuyến sông Sài Gòn mang tên “Con đường gốm sứ” và tuyến sông Vàm Cỏ Đông mang tên “Theo dấu chân người mở cõi”. Đoàn chuyên gia cho biết đây chính là một phần nỗ lực tái phát hiện và kết nối di sản theo trục đường sông, góp phần định hình các tuyến đường lịch sử - văn hóa quan trọng cho TP và khu vực phía Nam. Sau các chuyến khảo sát, đoàn chuyên gia sẽ kết nối các di sản thành một cung đường du lịch văn hóa, đề xuất các hạng mục cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích cần có cho các cung đường du lịch bằng đường sông này. |