“Khát vọng” trong kiến trúc nút giao thông An Phú, TP.HCM

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) vừa có tờ trình dự án xây dựng nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) gửi UBND TP.HCM.

Trong đó, đáng chú ý là ý tưởng kiến trúc của dự án. Với phương án kiến trúc mang tên “Khát vọng”, nút giao thông An Phú với vốn đầu tư hơn 3.770 tỉ đồng mang niềm tin của TP trẻ, vượt qua khó khăn, thử thách hướng đến TP phát triển.

Phương án kiến trúc “Khát vọng”

“Ý tưởng xuyên suốt trong phương án kiến trúc của nút giao thông An Phú mang tên “Khát vọng”, cho TP trẻ năng động vươn lên tầm cao mới” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết.

Theo đó, dự án nút giao thông An Phú sẽ xây dựng tháp trung tâm tại khu vực đảo elip theo phương án kiến trúc đã được thông qua. Chiều cao đỉnh tháp 36 m; đường kính cột tháp với đế 4,4 m, đỉnh 10,4 m; tháp có trang bị thang xoắn phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng.

Tháp được tổ hợp bằng các thanh thép ống tròn mạ kẽm. Các sàn cầu thang và sàn nghỉ làm bằng các thanh nan thép có khe hở cho nước mưa rơi tự do. Thân tháp được trồng thêm cây xanh để tăng thêm màu xanh và tính thẩm mỹ. Móng trụ tháp được kết cấu bằng cọc bê tông cốt thép.

Nút giao thông An Phú hiện hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do các xe lưu thông hỗn loạn. Ảnh: THU TRINH

Về ý nghĩa của tháp, theo Ban giao thông: Tháp sẽ biểu tượng cho sự thống nhất, đồng lòng cùng một khát vọng xây dựng TP trẻ năng động, vươn lên một tầm cao mới.

Cụ thể, phần đế tháp thể hiện cội nguồn là sự đoàn kết, đồng lòng, sự hợp lực của người dân đang sinh sống ở TP. Phần đỉnh tháp thể hiện tinh thần mạnh mẽ vươn lên đầy lạc quan và tự tin.

Ngoài ra, phần sàn vọng cảnh tại đỉnh tháp với tổ hợp các thanh thép tạo hình nón ngược tượng trưng cho thế hệ tương lai sẽ tiếp tục kế thừa và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Kiến trúc mang tên “Khát vọng” là khát vọng về một sự đổi thay của TP; khát vọng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hướng đến TP phát triển phồn vinh và hạnh phúc.

Ngoài ra, các hạng mục kiến trúc khác đi kèm là hồ nước cạn, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật trụ tháp...

Giải quyết ùn tắc cho khu Đông TP.HCM

“Việc đầu tư dự án sẽ tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TP. Từ đó, phát huy hết vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng” - ông Phúc cho biết thêm.

Ban giao thông cũng cho rằng việc xây dựng nút giao thông An Phú sẽ giải quyết ùn tắc, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho các tuyến đường vận tải quan trọng của TP Thủ Đức và khu vực phía đông TP.HCM.

Dự án cũng góp phần từng bước hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn sau năm 2030. Từ đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP Thủ Đức nói riêng và của TP.HCM nói chung.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT, nhận định: “Nút giao này rõ ràng rất quan trọng cho giao thông khu vực TP Thủ Đức. Đáng lẽ dự án phải được làm ngay sau khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào khai thác”.

Ông Hùng cũng đánh giá hiện công tác chuẩn bị dự án đang được làm rất khẩn trương. Đây là tín hiệu cho thấy dự án được kỳ vọng từ rất lâu này sẽ sớm được khởi công và triển khai trong thời gian tới.

“Nút giao thông An Phú được hoàn thiện sẽ đồng bộ, tăng năng lực liên kết vùng, tạo hiệu quả kinh tế cho vùng nói chung, cả TP Thủ Đức và TP.HCM nói riêng” - TS Hùng đánh giá.•

Dự án có cả hầm chui và cầu vượt

Nút giao thông An Phú sẽ được đầu tư xây dựng cả hầm chui và cầu vượt (khác mức ba tầng). Cụ thể, dự án có hầm chui hai chiều nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao thông Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Hầm chui có quy mô bốn làn xe chạy hai chiều, tổng chiều dài hai hầm khoảng 915 m.

Dự án có cầu vượt hình chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một cầu vượt rẽ phải từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới