Thực tế vẫn có những bị can, bị cáo gia cảnh khó khăn, hạn chế nhận thức, vì thiếu hiểu biết mà đã có hành vi phạm tội. Ở góc độ thực thi pháp luật, một phó viện trưởng VKS một huyện ở Tây Ninh từng tâm sự với chúng tôi rằng: “Mình khởi tố, truy tố họ thì cũng thấy tội nghiệp nhưng không xử lý thì không được vì sẽ tạo ra tiền lệ xấu, trong khi chúng ta đang hướng tới một xã hội thượng tôn pháp luật và trước pháp luật thì mọi người đều bình đẳng”.
Chúng tôi đồng cảm với suy nghĩ của ông. Thế nhưng pháp luật hình sự cũng có những quy định mang tính nhân đạo mà cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể linh hoạt vận dụng với các trường hợp thật sự đáng thương. Chẳng hạn quy định hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác (Điều 8 BLHS). Hay các quy định về miễn trách nhiệm hình sự (Điều 25 BLHS); miễn chấp hành hình phạt (Điều 57 BLHS)...
Còn nhớ năm 2008, các cơ quan tố tụng ở Tây Ninh cũng từng làm một việc khiến dư luận nức lòng ủng hộ là đình chỉ điều tra đối với anh Ngô Minh Thuận (người từng bị TAND tỉnh Tây Ninh phạt tám năm tù về tội hiếp dâm trẻ em).
Thật ra đây là một vụ cưới nhầm vợ trẻ con của một thanh niên chất phác, hiền lành. Năm 1998, lúc về sống chung, vợ anh Thuận chưa đủ 13 tuổi nhưng người phổng phao, anh hỏi thì vợ nói đã hơn 16 tuổi. Họ sống với nhau hơn chục năm trời và có hai mặt con. Năm 2008, vợ chồng mâu thuẫn, ra tòa ly hôn. Một tháng sau, VKSND huyện Hòa Thành kiểm sát án sơ thẩm và phát hiện anh Thuận cưới vợ còn quá nhỏ nên chuyển vụ việc cho CQĐT. Thế là anh Thuận bị khởi tố, truy tố, kết án.
Sau khiPháp Luật TP.HCMphản ánh, đông đảo bạn đọc đã lên tiếng xót thương cho hoàn cảnh của anh Thuận. Nhà nghèo, một tay anh phải bươn chải làm lụng, nuôi hai con nhỏ, giờ lại bị tù tội, cùng đường. Ngay cả Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng cũng cho rằng các cơ quan tố tụng nên áp dụng chính sách hình sự nhân đạo đối với anh Thuận.
Sau đó bản án sơ thẩm đã bị tòa phúc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại. Cuối cùng, anh Thuận đã được công an tỉnh đình chỉ điều tra.
Trở lại vụ vợ chồng ông bán vé số, sau khi chúng tôi phản ánh, đã có hàng ngàn ý kiến bạn đọc gửi về đề nghị các cơ quan tố tụng tha miễn cho họ. Điều rất mừng là các cơ quan tố tụng đã cầu thị lắng nghe, chia sẻ để có một quyết định đúng đắn.
Vẫn còn đó những vụ việc xuất phát từ những chuyện nhỏ nhặt, không đáng nhưng hậu quả pháp lý lại rất nghiêm trọng như vụ “bị tội vì hắt ly bia vào cán bộ thuế” ở Đồng Nai, vụ “ngồi xe lăn bị truy tố tội chống người thi hành công vụ” ở Sóc Trăng... Chúng tôi chỉ mong rằng đối với bất cứ trường hợp đáng thương nào, các cơ quan tố tụng cũng có xuất phát điểm với góc nhìn nhân đạo để vận dụng các quy định của pháp luật hình sự. Làm như vậy, việc xử lý người vi phạm sẽ thật sự thuyết phục, sẽ đạt được mục đích giáo dục, răn đe hơn là trừng trị.