Bên cạnh đó, kiến trúc của Hội trường Diên Hồng (nay là Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM) với phần mái vòm acoustic và không có cánh gà rất phù hợp cho mô hình phòng hòa nhạc nhỏ (Philharmonic Hall).
Sau năm 1975, TP.HCM xây dựng thêm Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành nhưng đều không có hố nhạc, phải sử dụng hệ thống khuếch đại âm thanh nên chủ yếu phục vụ ca nhạc nhẹ với âm thanh điện tử. Duy nhất còn Nhà hát TP.HCM có hố nhạc và thiết kế phù hợp biểu diễn nhạc kịch, vũ kịch quy mô nhỏ (tối đa dàn nhạc 35 nhạc công).
Nhà hát TP.HCM được xây dựng từ năm 1900. Trong ảnh: Dàn nhạc giao hưởng của HBSO trình diễn ở Nhà hát TP HCM. Ảnh: Trần Vương Thạch.
Cho đến giờ, TP.HCM vẫn không thể là điểm đến trong các chuyến lưu diễn hằng năm của các dàn nhạc lớn trên thế giới. Trên mối quan hệ của mình, Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO) có thể mời các dàn nhạc đủ trên 100 người đến diễn nhưng HBSO không đủ can đảm mời, bởi mời đến thì… diễn ở đâu?
“Chúng ta chỉ có đoàn trong nước, vài nghệ sĩ nước ngoài đến diễn. Như đoàn múa London mấy năm trước sang họ cũng chỉ sang ba cặp vì không đủ chỗ để họ nhảy; dàn nhạc Petronas sang diễn ngoại giao cũng phải tinh giản dàn nhạc và trong quá trình diễn phải chia dàn nhạc nhỏ ra cho từng tác phẩm, bởi chẳng có chỗ… ngồi diễn” - NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chia sẻ.
Năm ngoái, khi vở Con dơi(Johann Strauss II) lần đầu tiên được dàn dựng biểu diễn tại TP.HCM, khán giả lẫn nghệ sĩ nghẹt thở. Đó là nghẹt thở thật sự bởi không có khoảng không nào trong không gian Nhà hát TP.HCM mà không được tận dụng.
Nếu ở các nước để biểu diễn vở này dàn nhạc ít nhất cũng phải 70 nghệ sĩ thì buổi diễn của HBSO căng hết sức, chỉ đủ chỗ chứa 50 nghệ sĩ, trong đó nhiều nhạc cụ lớn đã phải dời sang hai cánh gà. Mặt ngang sân khấu cho một vở operetta, ballet… ít nhất cũng phải 18-20 m, trong khi đó mặt thật sân khấu của Nhà hát TP.HCM chỉ 9 m. Vì thế, khi diễn vở Con dơi, hàng chục nghệ sĩ phải chen chúc trên sân khấu, đến vai ai solo thì người đó “nhào ra” cách nhau chừng 2 m.
Khi dàn nhạc bị “ép” ngồi dưới sân khấu thì khán giả hàng đầu rất khó để tập trung thưởng thức vở diễn, bởi dàn nhạc sát rạt ngay chân họ, hoàn toàn thiếu hẳn khoảng không để “thở” giữa khán giả và nghệ sĩ.
Và sắp tới đây, tối 28-10 này, vở Con dơi lại tái diễn, nghệ sĩ và khán giả lại có dịp “nghẹt thở”!