“Trước khi trả lời câu hỏi có cần xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở TP.HCM không, theo tôi phải trả lời câu hỏi: Đất nước gần 100 triệu dân này, TP hơn 10 triệu dân này có cần đến nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch không, nói chung là có cần âm nhạc cổ điển không?” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (ảnh) đặt vấn đề.
“Sài Gòn mới”Thủ Thiêm và nhà hát
. Phóng viên: Thưa ông, theo quan điểm cá nhân ông, việc xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại TP.HCM có cần thiết?
+ ĐB Trương Trọng Nghĩa: Quan điểm của tôi là cần! Âm nhạc cổ điển phương Tây đã du nhập vào nước ta gần 100 năm nay và đã trở thành nhu cầu của một bộ phận dân chúng. Do đặc tính, đặc thù của nó, âm nhạc cổ điển không phổ biến như nhạc nhẹ hay các loại dân ca, muốn thưởng thức thì phải có kiến thức âm nhạc, chí ít cũng phải tập làm quen. Nhưng âm nhạc cổ điển đã góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ nghiêm túc, nâng cao trình độ văn hóa của công chúng, nhất là lớp trẻ. Chính vì vậy, đội ngũ âm nhạc cổ điển luôn được các quốc gia chú ý đào tạo và xây dựng, dù phải đầu tư dài hơi (hàng chục năm), công phu, tốn kém, thậm chí phải bù lỗ dài hạn. Ở miền Bắc, ngay sau chiến tranh, từ năm 1955, Nhà nước đã đưa người đi đào tạo âm nhạc cổ điển cả về chỉ huy, sáng tác và biểu diễn, cả giao hưởng (symphony), nhạc kịch (musical), thính phòng (opera), vũ kịch (ballet)…
Âm nhạc cổ điển thường được biểu diễn với những dàn nhạc quy mô lớn (hàng trăm nhạc công, nhiều loại nhạc cụ) hoặc kết hợp giữa dàn nhạc và các nghệ sĩ múa ballet hay hát opera, mang tính phức hợp rất cao. Để đạt hiệu ứng đầy đủ, âm nhạc cổ điển đòi hỏi phải được tập luyện, biểu diễn và thưởng thức trong những phòng hòa nhạc hay sân khấu đạt chuẩn, được xây dựng với kiến trúc và kỹ thuật đặc thù. Chỉ nói riêng về quy mô, vở nhạc kịch Miss Saigon ở Nhà hát Broadway, New York (Mỹ) có cảnh nguyên chiếc trực thăng đáp trên sân khấu! Muốn phát triển âm nhạc cổ điển thì bắt buộc phải xây nhà hát với kỹ thuật và quy mô phù hợp với các loại hình nghệ thuật này.
. Việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát giao hưởng theo ông có phù hợp với tổng thể quy hoạch của TP.HCM?
+ Thủ Thiêm, theo tôi biết, được Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM quy hoạch từ giữa những năm 1990 như là một tiểu đô thị mới, hiện đại với những trung tâm hành chính, tài chính, thương mại, nhà ở cao cấp, có hơn 200.000 dân, ngang tầm với các đô thị lớn của Đông Nam Á. Theo quy hoạch nguyên thủy, Thủ Thiêm sẽ là một Sài Gòn mới; cùng với đô thị hiện hữu với các giá trị di sản được bảo tồn, nó sẽ tạo thành một TP văn minh, hiện đại, một “hòn ngọc Viễn Đông” mới đàng hoàng và to đẹp hơn.
Một tiểu đô thị như vậy không thể không dành đất và không gian cho một công trình văn hóa như Nhà hát Esplanade (Sầu Riêng) của Singapore hay Nhà hát Opera (Con Sò) của Sydney, Úc. Xin nói rõ hơn, tiếng là nhà hát giao hưởng, nhạc kịch nhưng đó là một trung tâm nghệ thuật đa chức năng gồm nhiều phòng hòa nhạc, sân khấu, rạp chiếu phim, phòng trưng bày mỹ thuật, thư viện và nhiều tiện nghi giải trí, văn hóa khác… Nhà hát Con Sò (xây trên 1,8 ha, trên 5.700 chỗ ngồi) là điểm du lịch nổi tiếng của Úc, mỗi năm có hơn 8 triệu người đến thăm và hơn 350.000 người mua vé tour tham quan nhà hát.
Một nhà hát giao hưởng, nhạc, vũ kịch như vậy cũng là mục tiêu phấn đấu của TP.HCM. Và nếu đặt tại tiểu đô thị Thủ Thiêm như đã từng được quy hoạch (chứ không phải Thủ Thiêm như hiện nay) là rất hợp lý. Nếu chúng ta vẫn giữ và quyết tâm thực hiện khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm đúng với quy hoạch đã từng được đề ra thì theo tôi, ngoài Thủ Thiêm không còn chỗ nào hợp lý hơn cho công trình này.
Vị trí các dự án, công trình đang thi công lẫn hiện hữu tại Thủ Thiêm. Ảnh: QUỲNH TRANG
Chuyện nào ra chuyện đó
. Nhưng thưa ông, có ý kiến cho rằng chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát có vẻ rất “nhạy cảm”, bởi đến nay việc giải quyết bồi thường cho dân ở đây vẫn chưa ổn thỏa, “thấu lý đạt tình”?
+ Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch là dự án đòi hỏi nhiều thời gian, kinh phí. Nhà hát Con Sò xây trong 14 năm, tốn 927 triệu đôla Úc (tính theo thời giá năm 2016); Nhà hát Esplanade ở Singapore xây trong sáu năm, tốn 600 triệu đôla Singapore (theo thời giá năm 2002). Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở TP.HCM phải được quy hoạch và triển khai đồng bộ với quy hoạch chung của KĐT mới Thủ Thiêm, bởi không phải xây ngày một ngày hai là xong.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo thanh tra Thủ Thiêm, cho thấy nhiều tồn tại cần phải giải quyết, nhất là đối với những hộ dân bị thiệt hại, thiệt thòi do những sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ, công chức TP trong hơn 20 năm qua. Những sai phạm ấy đã gây ra nhiều đau khổ, oan ức cho người dân suốt thời gian dài nên cần phải nhanh chóng làm rõ và xử lý nghiêm. Đặc biệt, cần tránh sự che đậy những điều không tốt ẩn chứa đằng sau việc đề xuất xây dựng nhà hát.
Chính quyền TP cũng đã xác định sẽ ưu tiên và tập trung giải quyết thật cơ bản những khó khăn, thiệt hại của người dân, đồng thời nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển Thủ Thiêm, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.
. Vậy thì việc xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm có ổn không, thưa ông?
+ Những điều nói trên không thể là cản trở cho việc xây dựng một công trình văn hóa có chất lượng cao và có ý nghĩa lâu dài như dự án nhà hát mà chúng ta đang nói tới. Và như đã nói, nó hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể của KĐT mới Thủ Thiêm. Nhất là nhà hát đó khi được thiết kế hợp lý khán phòng bên trong và không gian bên ngoài, như Nhà hát Esplanade của Singapore chẳng hạn, thì các loại hình nghệ thuật khác như nhạc nhẹ, kịch nói, cải lương, dàn nhạc dân tộc quy mô khác nhau… vẫn có thể biểu diễn tốt tại đó.
Như vậy, công năng biểu diễn của nhà hát sẽ được khai thác tối đa, chưa kể các công năng khác như khu biểu diễn ngoài trời cho dàn nhạc, triển lãm nghệ thuật tạo hình, múa rối nước...
Bánh mì và hoa hồng
. Có ý kiến lo ngại rằng không thể lội nước trong một đoạn ngập, chen chúc trong kẹt xe... để đến nghe hòa nhạc, ông nghĩ sao?
+ Tất nhiên việc quy hoạch và xây dựng nhà hát giao hưởng cần tiến hành đồng bộ với những dự án, công trình khác nhưng cũng không nên chậm trễ hơn, vì chúng ta đã quá chậm rồi.
Nói nôm na, đúng là không thể lội nước và ướt như chuột để vào nhà hát xem ballet, cũng không thể nghe nhạc giao hưởng trong mùi rác hôi thối! Giao thông ách tắc, ngập nước, ô nhiễm không khí, mức sống một bộ phận nhân dân còn thấp, giáo dục và y tế bất cập, quá tải… sẽ là những cản ngại đáng kể cho việc nâng cao thị hiếu và thưởng thức nghệ thuật của người dân. TP sẽ phải thực hiện đồng bộ những vấn đề này - xây nhà hát song song với giải quyết các vấn đề dân sinh cấp bách. Nhưng nhà nghèo không có nghĩa là không cần ngắm hoa!
. Xin cám ơn ông.
Làm thì phải đúng, chưa đủ tiền thì gác lại Chuyện lãng phí, tham nhũng, hiệu quả kém của đầu tư công thì đó là việc tổ chức thực hiện. Nếu chính quyền làm tốt việc công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho cử tri giám sát thì sẽ hạn chế được tiêu cực và khôi phục được niềm tin của người dân. Nói đi cũng phải nói lại. Tuy cấp bách nhưng cũng phải đặt câu hỏi này: 1.500 tỉ đồng (khoảng 70 triệu USD) liệu có đủ cho dự án nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch - một trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và đa năng cho một TP trên 10 triệu dân với tầm nhìn vài thập niên tới? Đã làm thì phải làm cho đáng, còn chưa đủ tiền và chưa đủ năng lực tổ chức, quản lý thì nên gác lại để tránh lãng phí. ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA |