Chiều 26-10, tám dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất của SV sẽ bước vào vòng chung kết cuộc thi “Người nhân văn khởi nghiệp”. Đây là sân chơi lần đầu tiên được Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức nhưng đã thu hút rất nhiều ý tưởng của SV tham gia, chủ yếu SV ở khối ngành xã hội nhân văn.
Có lợi thế từ việc giúp gia đình kinh doanh nhà trọ từ nhiều năm, bạn Nguyễn Hương Duyên (Khoa xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã ấp ủ thực hiện dự án khởi nghiệp về “Căn hộ SV thông minh”. Đây cũng chính là dự án gây ấn tượng mạnh ở vòng bán kết vừa qua khi dù mới trình bày nhưng đã được các giám khảo trao ngay tấm vé vàng đặc cách tiến thẳng vào chung kết.
Theo đó, dự án của Duyên muốn thực hiện là mô hình nhà ở một trệt, năm lầu với 60 phòng. Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4,1 tỉ đồng từ tiền vay ngân hàng để trả trong 15 năm. Giá cho thuê mỗi phòng 1,5 triệu đồng. Sau đó doanh thu ổn định 90-100 triệu đồng/tháng.
Sinh viên Thành Gia đang trình bày với giám khảo về dự án chế biến sản phẩm từ trái quách ở vòng bán kết. Ảnh: BTC
Đáng nói, với mô hình này, Duyên muốn mỗi phòng đều trang bị nội thất thiết yếu cơ bản, có camera giám sát 24/24 giờ, phòng, chống cháy nổ, tạo không gian xanh-sạch, có ứng dụng điện tử thông minh mang tên “Home plus” kết nối giữa chủ nhà và người ở, có những thùng rác phân loại để khuyến khích SV chung tay bảo vệ môi trường, có hệ thống khóa mở bằng thẻ từ...
Tương tự, dù mới học năm nhất ở ngành tâm lý học cũng tại trường đại học này, em Nguyễn Thành Gia đã một mình chuẩn bị một dự án khởi nghiệp khá công phu về những sản phẩm làm từ trái quách.
Thành Gia cho hay trái quách khá phổ biến của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nhưng được người dân trồng chủ yếu làm bóng mát hoặc ăn trong gia đình vì rất rẻ, nếu bán chỉ 3.000-4.000 đồng/trái. “Cứ đến mùa người dân mới hái ăn hoặc ngâm rượu uống nên rất ít người biết. Có lần chị của em nói đùa “giá như trái này cũng được chế biến thành đặc sản như kẹo dừa để ăn quanh năm thì tốt biết mấy”. Nghe vậy, tự nhiên em ấp ủ làm sao dự án chế biến trái quách thành năm sản phẩm gồm kẹo dẻo, mứt đông, bột quách, trà túi lọc, rượu. “Không chỉ là khởi nghiệp, em muốn đưa trái quách đến gần hơn với người tiêu dùng. Ngoài ra còn góp phần tạo thêm thu nhập cho bà con đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó cũng sẽ tạo thêm giá trị tinh thần, trải nghiệm văn hóa giúp phát triển du lịch địa phương” - Gia nói.
Tám dự án sẽ tranh tài ở vòng chung kết Phát động từ tháng 9-2019, cuộc thi thu hút 50 ý tưởng đăng ký đến từ 20 trường đại học, cao đẳng. Giải thưởng của cuộc thi: Giải đặc biệt 50 triệu đồng, giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng. Tám dự án sẽ tranh tài ở vòng chung kết gồm: Dreamer - Căn hộ SV thông minh; Đơn Dương Travel - mô hình du lịch xanh ; sản xuất và đưa các sản phẩm từ trái quách đến người tiêu dùng ; Mental Coffee - cà phê chia sẻ; Aweren.com - nền tảng cho thuê không giới hạn; Shub classroom - ứng dụng kết nối học sinh với giáo viên; đồ chơi phát triển trí tuệ và cảm xúc; Mifinn - nền tảng kết nối người chăm sóc cây trồng. |