Khi Hollywood bấm máy, nơi vô danh được thế giới biết đến

Bãi chăn thả vào phim bom tấn

Làng Yên Phú (Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) hoàn toàn vô danh trước cỗ máy tìm kiếm Google trước khi đoàn làm phim Kong: Skull Island đặt chân đến. Nhiều nhà báo đứng chân trên địa bàn đã đi khắp Quảng Bình cũng phải thừa nhận mảnh làng này họ chưa bao giờ đặt chân đến. Và địa điểm quay cũng càng bất ngờ, nó là nơi chăn thả gia súc của làng, ban đêm nó trở thành bãi nhốt trâu bò của người dân. Đấy là nơi ra hồ Yên Phú. Cạnh bãi chăn thả đó là khu đất công của Hội phụ lão thôn được cho thuê trồng cây lấy gỗ. Rất nhiều người ngạc nhiên khi bãi chăn thả gia súc với phân trâu bò dày hàng tấc lọt vào mắt xanh của đạo diễn và êkíp làm phim từ nhiều tháng trước.

Làng Yên Phú vốn làm nông nghiệp, xung quanh núi đá vôi bao phủ. Hồ chứa Yên Phú chưa một lần lên bất cứ phim ảnh nào. Thế nhưng trong bãi chăn thả gia súc đầy phân ấy, những nhà làm phim sừng sỏ của Hollywood đã nhận ra góc máy chưa từng có trong các bộ phim bom tấn. Đấy là nơi mà khán giả toàn cầu chưa từng được xem đến. Họ đã nhìn hồ nước cạnh bãi đất tràn đầy mùi chất thải gia súc là một phim trường tự nhiên không cần phải cải tạo, hoặc xây dựng thêm.

Từ ngày đoàn làm phim bấm các góc máy ở đây, nam phụ lão ấu đều không ngớt chuyện trò. Còn người ngoài nhìn vào, ngã mũ kính chào cách chọn bậc thầy của những bộ óc làm phim. Hồ nước đẹp và yên bình, phía sau là những rặng núi cổ đại ẩn hiện trong mây, những hình dáng núi cổ quái trong nắng vàng, dìu dịu trong sương sớm thật hợp cho bối cảnh của phim.

Giữa làng, bãi đá cổ mọc từ xưa như trái đất, ngàn vạn đời nay nó nép mình vô danh với phận người nơi đây. Chưa một lần có diễm phúc vào ống kính của người chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Nó chỉ đẹp một mình ở góc làng, đẹp một cách thần tiên ở vị trí trầm mặc. Các cây cổ thụ vươn vai quanh các mỏm đá với hình thế "độc bản", nhiều khi người dân chỉ ước, ai lấy đi cái của nợ đó để có thêm đất sản xuất vì bãi đá choán hết chỗ trồng cây. Nhiều bậc cao niên vẫn từng có ý nghĩa, đó là bãi đá vô tích sự. Nhưng với người ngoài, nếu lạc vào chỗ đá đó, nó là một trong những nơi đẹp ngoài sức tưởng tượng.

Và mấy ngày nay, cái tên hồ Yên Phú, bãi đá Yên Phú trở thành địa chỉ long lanh trên báo chí cùng mạng xã hội. Người làng sống bình dị, thân thiện và cách họ ứng xử với núi non ở đây cũng trầm mặc như thế. Vì đó mà họ "vô danh" từ trước đến nay, để bây giờ qua hình ảnh báo chí địa danh này trở thành huyền thoại. Sau này khi phim công chiều vào tháng 3-2017, chắc chắn nó sẽ được biết đến nhiều hơn và mảnh làng vô danh đó sẽ "lớn" hơn nữa về hình ảnh.

Tài sản lòng dân

Ngày đầu tiên quay ở Yên Phú, chiều 22-2, người dân không chỉ ở Quảng Bình mà nhiều nơi khác nườm nượp đổ về xem Hollywood đóng phim. Quả là một buổi chiều ấn tượng với đoàn làm phim. Nhưng đông người thì quá ồn ào náo nhiệt, họ không quay được, và có những yêu cầu đến với người dân không chỉ Yên Phú mà tất cả mọi người ra về cho họ tác nghiệp. Dân quê Minh Hóa dù nghèo nhưng họ cũng đàng hoàng tôn trọng những yêu cầu chính đáng đó.

Chị Cao Thị Xuân, nhà cách trường quay mấy bước chân, ngày đoàn làm phim bấm máy, chị cùng chồng đi làm rẫy, chiều về thấy nhà đông như hội, xe máy chật sân, nhưng chị vẫn tôn trọng đoàn: "Trước đó trưởng thôn có nói là để họ làm việc, đừng tò mò, tui cùng chồng cứ nghĩ, việc họ như việc của mình. Việc mình quan trọng một thì họ quan trọng mười, họ từ Mỹ qua là đủ biết nên tui cùng chồng làm việc bình thường", chị Xuân bày tỏ, hôm đó dàn diễn viên thủ vai bên vách đá sát vườn, chị vẫn ngồi thái chuối cho trâu bò đang nhốt để đoàn làm phim tác nghiệp.

Cụ Nguyễn Bang, 80 tuổi kể: "Chiều 26-2 tui có đi xem họ quay phim, nhưng khi đông quá, họ dặn bà con về để họ yên tĩnh làm việc thì bà con cũng về cả. Hôm sau, cũng chỉ ít người đến xem thôi nhưng đứng xa, trật tự, yên lặng".

Còn phía xã Tân Hóa, Cao Văn Minh kể: "Bà con biết đoàn làm phim về, cũng khá đông người đi xem, nhưng yên lặng, còn số đông khác thì đi làm nương, làm rẫy, cắt cỏ cho trâu bò, không làm phiền đến đoàn làm phim. Gặp ai của đoàn này thì người dân cũng cười thân thiện lắm, không đùa cợt, gây phá, phương tiện của họ đậu đổ ở đâu trên đường dân đi vào rẫy cũng không ai tò mò, trộm cắp, không ai nấn ná săm soi gì". Bởi thế mà tiệc chiêu đãi của UBND tỉnh Quảng Bình với lãnh đạo đoàn làm phim đã có phản hồi rằng người dân rất thân thiện, dễ thương và rất nghe lời khi đoàn làm phim có yêu cầu rời khỏi phim trường cho họ tác nghiệp. Một người có mặt trong buổi tiệc này cho biết: "Họ ấn tượng với người dân địa phương, và họ chắc chắn rằng chưa khi nào họ đến một vùng đất hẻo lánh mà bà con lại mến mộ như vậy".

Cơ hội cho du lịch

Những thước phim chỉ mới bấm máy, phim mãi đến 2017 mới khởi chiếu nhưng các địa danh như Yên Phú, Tân Hóa đã trở thành đề tài bàn luận của hàng triệu fan hâm mộ trong nước và quốc tế muốn đặt chân một lần đến các địa danh này tại Quảng Bình. Thế mới biết, phim bom tấn đến từ kinh đô điện ảnh thế giới có sức hút như thế nào với khán giả toàn cầu. Họ không chỉ xem phim mà còn muốn đến tận nơi có các cảnh quay của những bộ phim trên thế giới. Trên nhiều diễn đàn trong nước, nhiều bạn trẻ đã lên lịch đến với Yên Phú hoặc hang Chuột ở xã Tân Hóa để được đắm mình trong không gian đẹp đẽ, hiền từ của vùng đất này.

Khi đoàn làm phim rời các phim trường tự nhiên ở Quảng Bình, lãnh đạo địa phương cho biết, dù trời lạnh căm căm, cũng có nhiều đoàn chạy xe máy đến để xem các địa danh được đoàn quay phim bấm máy. Không chỉ người Quảng Bình mà có khá nhiều người khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội... Các nhà làm du lịch địa phương có chung nhận định, những địa điểm này sẽ thu hút khách, lượng người đến tham quan trường quay tự nhiên chắc chắn bùng nổ trong mùa hè này và sẽ đột biến sau khi phim trình chiếu. Bởi không một ai phủ nhận nơi bấm máy bom tấn Kong: Skull Island đẹp như chốn thần tiên.

Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ trình đề án tuyến du lịch điểm đến phim trường bom tấn của Hollywood lên UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện khi bộ phim ra mắt công chúng.  Còn ông Đinh Quý Nhân, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, khẳng định: "Sẽ tiến hành bảo tồn các điểm mà bộ phim đã quay để thực hiện tuyến du lịch nhằm tạo thêm kế sinh nhai cho người dân địa phương. Đây là cơ hội lớn đối với người dân địa phương. Chúng tôi cũng đặt các vấn đề với người dân, khi du khách đến ngày mỗi đông, phải thật sự trung thực và không nhiêu khê với mọi người để giữ gìn hình ảnh hiếu khách, thân thiện mới làm được việc bền vững, lâu dài".

Người dân không hiếu kỳ đến gần chỗ đoàn làm phim tác nghiệp giữa hồ. Ảnh MQ

Bãi chăn thả gia súc ở phim trường Yên Phú. Lãnh đạo huyện Minh Hóa khẳng định sẽ di dời trâu bò đến bãi nhốt mới để đón du khách trong tương lai. Ảnh MQ

Đường về Yên Phú. Ảnh MQ

Bên trong vườn của nhà dân tại Yên Phú. Ảnh MQ

Những cây cổ thụ trong nhà dân tại Yên Phú. Ảnh MQ

Phim trường ở bãi đá cổ Yên Phú. Ảnh MQ

Rất nhiều người muốn đến hồ Yên Phú sau khi đoàn làm phim rời đi. Ảnh MQ

Đường vào hang Chuột với khung cảnh thơ mộng. Ảnh MQ

Hang Chuột, một phim trường tự nhiên ở Tân Hóa. Ảnh MQ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm