Theo lịch, trực thăng quay đại cảnh trên không đã phải cất cánh từ hai ngày nay nhưng thời tiết xấu không đảm bảo cảnh quay nên máy bay vẫn trễ tại bãi đỗ ở làng Phong Nha (Bố Trạch). Điều đặc biệt, phim trường ở Trung Hóa khi mọi người rời đi sạch không một chút rác.
Hang Chuột - một trong những cảnh quay ở Tân Hóa
Ngày 24-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ông Trần Tiến Dũng và ông Hồ An Phong, Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình đã có chuyến thăm đoàn làm phim tại hiện trường xã Tân Hóa trong mưa rét. Khi được hỏi có gặp khó khăn gì hoặc cần sự giúp đỡ nào từ chính quyền địa phương và người dân, ông Gregg Brilliant, Giám đốc truyền thông đoàn làm phim, đã có lời cám ơn chân thành rằng chính quyền địa phương và người dân đã giúp đỡ họ rất nhiệt tình trong khi đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay.
Vách hang hùng vĩ
Trước sự lo lắng của giới chức địa phương trời mưa gây ảnh hưởng đến tiến độ quay phim, ông Gregg Brilliant nói lời cám ơn và xua tan lo lắng đó bằng trấn an rằng máy quay của đoàn làm phim được nhập vào Việt Nam với ống kính "vô nhiễm" với làn mưa, hơn nữa việc trời mưa diễn ra gần như đúng với bối cảnh bộ phim cần.
Suối nước trước cửa hang nơi các diễn viên thủ vai
Tối cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình mở tiệc chiêu đãi lãnh đạo đoàn phim tại Oxalis home để bày tỏ sự trọng thị với hãng phim làm phim “Kong: Skull Island” có các cảnh quay tại địa phương này. Thành phần mời hạn chế và không có mặt báo chí. Truyền thông được thông báo đây là cuộc mời riêng tư và theo yêu cầu không đưa báo chí vào để có không gian riêng.
Thung lũng trước hang Chuột
Theo lịch, đoàn làm phim sẽ có hai ngày quay ở xã Tân Hóa với cảnh quay trong hang Chuột, trước hang Chuột, dòng suối trước cửa hang. Đây là nơi định vị trong kịch bản bãi trực thăng bị rơi với các mảnh vỡ và đuôi máy bay được làm bằng mô hình vương vãi khắp suối. Những nhân vật vật lộn trên dòng suối, chiến đấu với những tình huống nghẹt thở. Diễn viên dầm mình trong suối lạnh và mưa cả ngày, hết mỗi đợt diễn lên bờ được trợ lý chăm sóc bằng cách quấn giấy kiếng chống lạnh và có người choàng chăn dày để ủ ấm, giữ sức.
Bên trong hang Chuột, nơi ở trong phim là nơi ở của loài vượn khổng lồ
Trong khi đó, hiện trường ở Yên Phú lúc đoàn làm phim rời đi, những dấu chân quái thú khổng lồ được thiết kế giữa mô đất lòng hồ được trả lại một cách tinh tế theo phong cách cẩn trọng giữ gìn môi trường kiểu Hollywood. "Họ đào từng lát đất trong khoảng 4 m2 để quay, sau đó họ lấy từng lát đất bỏ lại hiện trạng. Đúng là chu đáo" - ông Cao Văn Tuấn nói.
Bãi cỏ được đào lên để quay phim, sau đó đã được trả lại hiện trường một cách rất chuyên nghiệp
Ở trường quay tại bãi đá giữa làng, người dân cho biết để bỏ một cành dương xỉ khô, họ dùng kéo dài, cắt từng lá, không ảnh hưởng cây xanh hay cây trồng nào, các tảng đá cổ sơ cũng được bảo vệ khi quay nên giữ nguyên hiện trạng với tinh thần môi trường cao nên khi đoàn làm phim rút lui, người dân Yên Phú luôn xuýt xoa khen họ bảo vệ môi trường tốt. Đường vào hồ Yên Phú vốn là bãi chăn nhốt gia súc của làng nên khi trường quay hoàn thành nhiệm vụ các khung hình, bãi chăn thả được trả lại cho người dân và trâu bò được đưa về nơi đây.
Một góc bãi đá cổ nguyên sơ sau khi quay cảnh trong bộ phim bom tấn
Trong khi đó, lịch máy bay trực thăng quay trên không vùng núi Chà Nòi (Bố Trạch) và Tân Hóa (Minh Hóa) phải tạm dừng hai ngày qua do thời tiết quá xấu, nhiều mây, cảnh quay không đủ độ sắc nét nên phải chờ thời tiết tốt mới có thể thực hiện bay.
Nơi đoàn làm phim tác nghiệp xong không hề ảnh hưởng dù chỉ là một cành cây
Những cành cây nhỏ trên tảng đá cũng được giữ nguyên trạng
Thời tiết xấu nên máy bay chưa thể cất cánh quay cảnh trên không vùng núi Chà Nòi và Tân Hóa
Tân Hóa ngày 24-2 mưa tầm tã nhưng đoàn làm phim vẫn làm việc chuyên nghiệp.