Khi kê biên thực địa để thi hành án mới 'giật mình' chuyện dễ dãi lúc cho vay

(PLO)- Quá trình tổ chức kê biên thi hành án hơn 400 tỷ đồng, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Thuận phát hiện nhiều hạng mục, tài sản không có trên thực tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-12, nguồn tin của PLO cho biết Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gởi VKSND tỉnh Bình Thuận liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong hoạt động cho vay khi tổ chức kê biên tài sản thi hành án vụ Công ty TNHH Suối Cát (TP Phan Thiết).

Một góc khu du lịch Suối Cát trước đây

Một góc khu du lịch Suối Cát trước đây

Cụ thể, Cục THADS Bình Thuận đang thi hành bản án số 02/2018/KDTM-ST ngày 15-8-2018 của TAND TP Phan Thiết. Nội dung bản án trên tuyên buộc Công ty TNHH Suối Cát phải trả cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) số tiền hơn 405 tỷ đồng.

Trong đó, nợ gốc gần 190 tỷ đồng; nợ lãi hơn 215 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Suối Cát còn phải nộp hơn 500 triệu đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Quá trình tổ chức thi hành án, Cục THADS nhận thấy một số hạng mục công trình là tài sản hình thành từ vốn vay đã được một chi nhánh ngân hàng tại Bình Thuận nhận thế chấp cho Công ty TNHH Suối Cát vay nhưng các tài sản này không được thi công xây dựng và tài sản không được hình thành trên thực tế, cụ thể như các hạng mục khu thủy cung, khu cầu tàu, hồ bơi, vũ trường…

Nhiều hạng mục bỏ hoang đã xuống cấp trầm trọng

Nhiều hạng mục bỏ hoang đã xuống cấp trầm trọng

Ngoài ra, một số tài sản thế chấp nhưng không xác định được như lãi vay xây dựng cơ bản của Dự án xây dựng Khu du lịch Suối Cát giai đoạn II; tài sản tăng do trượt giá các hạng mục và tài sản do đầu tư tăng các hạng mục của Dự án xây dựng Khu du lịch Suối Cát giai đoạn II.

“Trong quá trình tổ chức kê biên tại thực địa, đối chiếu với các hợp đồng thế chấp, báo cáo kiểm tra tiến độ hình thành, tình trạng của tài sản hình thành vốn vay và hiện trạng xác minh tài sản thì các hạng mục công trình trên không được thi công xây dựng và tài sản không được hình thành trên thực tế. Ngân hàng cho vay nhưng không xác định được tài sản thế chấp là có dấu hiệu vi phạm các qui định về cho vay trong hoạt động tín dụng ngân hàng, khả năng gây thất thoát vốn của Nhà nước” - văn bản của Cục THADS Bình Thuận nêu.

Một căn nhà trong khu du lịch bị đổ sập do bị đập phá

Một căn nhà trong khu du lịch bị đổ sập do bị đập phá

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Suối Cát xây dựng Khu vui chơi và du lịch Suối Cát tại xã Tiến Lợi ở phía Nam TP Phan Thiết với diện tích 32,2 ha.

Dự án đã triển khai xây dựng được một số công trình và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2010. Tuy nhiên, đến năm 2015, do nợ nần, dự án dừng hoạt động toàn bộ cho đến nay.

Qua hơn bảy năm bỏ hoang, các công trình khu vui chơi, nhà hàng, khách sạn không hoạt động, xuống cấp trầm trọng theo thời gian làm cho bộ mặt đô thị phía Nam TP Phan Thiết mất mỹ quan, lãng phí tài nguyên đất đai.

Cổng vào khu du lịch Suối Cát trước đây.

Cổng vào khu du lịch Suối Cát trước đây.

Ngoài nợ chi nhánh ngân hàng tại Bình Thuận nói trên, dự án này còn nợ một số tổ chức, cá nhân khác. Do là nợ xấu nên ngân hàng chuyển nợ cho VAMC khởi kiện, thu hồi nợ.

Ngày 15-8-2018 TAND TP Phan Thiết đã xét xử sơ thẩm, tuyên buộc Công ty TNHH Suối Cát phải trả cho VAMC hơn 405 tỷ đồng và quá trình thi hành án đã phát hiện dấu hiệu nói trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm