Ngày 3-10, đoàn giám sát của Quốc hội (QH) làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đoàn do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, dẫn đầu.
80% thủ phạm là người thân, quen
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, giai đoạn 2011-2015 có 116 trẻ em gái bị xâm hại. Trong đó, 112 em bị xâm hại tình dục, bốn em bị mua bán. Giai đoạn 2015-2019 có 170 trẻ bị xâm hại, trong đó có một trẻ là nam, 168 trẻ bị xâm hại tình dục, một trẻ bị mua bán và một trẻ bị bỏ rơi.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại có 139 người. Trong đó, năm người là ruột thịt, sáu người thân thích khác và 128 người quen biết với trẻ bị xâm hại.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, nhận xét: “Báo cáo của TP đưa ra nhận định tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp về quy mô và cách thức thực hiện nhưng chưa phân tích số liệu cụ thể. Bà Hoa cho rằng giai đoạn 2015-2019 có 170 trẻ bị xâm hại, gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Đây là cả một vấn đề cần được phân tích kỹ hơn”.
“Đáng nói, phần lớn thủ phạm lại là người thân, người gần, quen biết. Trong khi thông thường ta hay đối phó với người lạ, việc đối phó với người thân theo tôi là rất khó. Chúng ta không thể giáo dục con em mình đối phó với chính người thân của mình” - bà Hoa cho hay.
Dẫn lại số liệu báo cáo của TP về chi tiết 139 đối tượng xâm hại, bà Hoa đánh giá “con số này rất khủng khiếp, không có thủ phạm nào là người lạ hết”. Bà Hoa cho biết theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong hai năm 2017-2018, thủ phạm xâm hại trẻ em là người quen biết, hàng xóm chiếm 59,06%, gia đình (tức cha đẻ, anh em họ) chiếm 21,12%. Hai con số này cộng lại khoảng 80%.
“Chúng ta có nên phân tích đối tượng thuộc dạng này, từ đó rút ra những vấn đề liên quan để có giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em hay không? Tuy nhiên, tôi nghĩ rất khó vì đây là nhóm đối tượng mà chúng ta không lường được lúc nào họ sẽ phạm tội và ai sẽ là người phạm tội” - bà Hoa nói.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND TP Cần Thơ ngày 3-10. Ảnh: NN
Mọi đối tượng đều có nguy cơ xâm hại trẻ
Theo bà Hoa, vấn đề này liên quan đến đối tượng tuyên truyền. Chỉ hướng đến đối tượng tuyên truyền là nạn nhân thôi chưa đủ mà phải chú ý đến nhóm có nguy cơ cao trở thành tội phạm. Về điều này, một số tỉnh như Tiền Giang cũng đưa ra nhận định hành vi phạm tội có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Mọi đối tượng trong gia đình, nhà trường, hàng xóm, thân thích… đều có thể có nguy cơ xâm hại trẻ em.
Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình cho hay báo cáo của nhiều nơi đoàn đi giám sát cho thấy mẫu số chung là nông thôn, trẻ em gái và gia đình khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền phải hướng tới khối này vì nguy cơ lên tới 95%-96%, phải tuyên truyền về đạo đức và trách nhiệm gia đình.
“Nếu nói hai cháu 16 tuổi thích nhau thì tôi còn có thể chia sẻ được, còn nếu cùng huyết thống trong gia đình thì dứt khoát là không. Chúng ta phải làm cho mọi người hiểu ra điều đó, vì nó phá vỡ cả một hệ thống văn hóa, đạo đức. Chúng ta phải giáo dục cho được chỗ này, phải giữ được nền tảng gia đình của chúng ta” - ông Bình nêu quan điểm.
Đừng im lặng vì bất cứ lý do nào Về kỹ năng, tôi không yêu cầu phải học võ đai đen, đai đỏ nhưng các em phải biết bảo vệ mình. Đụng đến “chuyện đó”, các em phải mạnh dạn tố cáo, đừng vì đạo lý, đạo đức, e lệ, mắc cỡ gì mà im lặng. Đây cũng là chuyện của ngành giáo dục và các đoàn thể. Ông PHAN THANH BÌNH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, |