Khi nào bắt buộc phải chỉ định luật sư bào chữa?

(PLO)- Bị can, bị cáo bị xử lý về tội mà mức cao nhất của khung hình phạt từ 20 năm trở lên; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất... sẽ được chỉ định người bào chữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong các vụ án hình sự, sự tham gia của người bào chữa phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Người bào chữa do bị can, bị cáo hoặc người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, sự tham gia của người bào chữa trong vụ án là bắt buộc, không phụ thuộc vào ý chí của bị can, bị cáo. Như vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ... xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC).

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cựu chủ tịch Công ty AIC có hai luật sư chỉ định dù người nhà bị cáo này đã mời ba luật sư bào chữa.

Vậy khi nào bắt buộc phải có luật sư chỉ định?

nguoi-bao-chua.jpg
HĐXX vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ... xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC). Ảnh: HOÀNG GIANG

Trả lời, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng theo Điều 76 BLTTHS 2015 thì trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

- Bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa. Đó là Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

Tuy nhiên, theo luật sư Linh, trong các trường hợp được chỉ định trên, người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa theo khoản 3 Điều 77 BLTTHS 2015.

Trường hợp thay đổi người bào chữa thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo khoản 2 Điều 76 BLTTHS 2015.

Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm