Khi nào cần phẫu thuật cắt trĩ?

(PLO)- Đối với trĩ nặng hơn (cấp độ 3, 4) thường bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp kinh điển nhất là phẫu thuật cắt trĩ. 

Bác sĩ ơi tôi muốn hỏi là búi trĩ nhỏ có thể đi cắt trĩ được không, ngoài cách đó ra thì còn phương pháp điều trị nào khác không ạ? (Quang Minh, 35 tuổi, TP.HCM).

Trả lời

Đối với búi trĩ nhỏ như trĩ độ 2 có thể sử dụng các phương pháp ít xâm lấn như cột dây thun, đốt trĩ bằng năng lượng điện như điện lưỡng cực hay quang đông hồng ngoại hay các phương pháp như chích xơ.

Đối với chích xơ phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, hậu môn -trực tràng vì cần chích đúng búi trĩ, nếu chích quá nông sẽ làm loét, chích sâu quá sẽ gây chảy máu.

Đối với trĩ nặng hơn (cấp độ 3, 4) thường bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật. Phương pháp kinh điển nhất là phẫu thuật cắt trĩ.

Nhược điểm của cắt trĩ là sau mổ người bệnh đau nhiều, đau kéo dài khoảng 6-8 tuần, dễ chảy máu và hẹp hậu môn.

Các phẫu thuật điều trị trĩ phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kinh nghiệm để có thể loại bỏ các búi trĩ vừa hạn chế tổn thương, đảm bảo chức năng các mô trĩ ở vùng hậu môn.

Nếu thực hiện cắt trĩ ở các cơ sở kém uy tín sẽ có nguy cơ thủng, rò hậu môn, tạo sẹo co rút, làm ảnh hưởng chức năng tự chủ hậu môn (ngăn không cho thoát khí và dịch ra khỏi hậu môn).

Bệnh trĩ vốn có sẵn yếu tố nguy cơ để phát triển trên một người từng bị trĩ như cơ địa táo bón, chế độ ăn không hợp lý, ít vận động, dư cân béo phì, bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Để hạn chế tái phát trĩ, người bệnh cần thay đổi lối sống, điều trị các bệnh lý nền nêu trên.

PGS.TS.BS Dương Văn Hải - Trưởng đơn vị Hậu môn trực tràng, Bệnh viện Bình Dân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới