Khi người cao tuổi học chơi Tiktok, Zalo để tránh bị lừa qua mạng

(PLO)- Dù tóc đã bạc, mắt kém, chân tay không linh hoạt, thế nhưng những cụ ông cụ bà vẫn chăm chỉ tới lớp, việc học dùng điện thoại thông minh đã giúp tinh thần họ vui vẻ hơn, rút ngắn được khoảng cách của thời đại 4.0 với con cháu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đều đặn 3 buổi mỗi tuần, các cụ ông cụ bà đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM lại háo hức đến tham gia một lớp học đặc biệt tại Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM). Đó là lớp học tin học miễn phí, nơi giúp các ông bà làm quen với máy tính, điện thoại.

Tại lớp học tháng 7 kéo dài đến tháng 8, nội dung chú trọng chủ yếu vào những kỹ năng cơ bản để sử dụng máy tính, điện thoại, kỹ năng sử dụng mạng xã hội và các kiến thức về bảo mật thông tin, an toàn mạng. Các tình nguyện viên đứng lớp ở đây đều là sinh viên, học sinh.

Khi người cao tuổi học dùng điện thoại để đặt xe, chuyển tiền, chơi tiktok
Những người tham gia học dùng điện thoại đa phần tuổi từ 60 đến 90. Nguyễn Đăng Khoa, trong vai trò người hướng dẫn, liên tục hỏi các cụ: “Có bác nào đăng nhập thành công chưa ạ?”. Một cụ bà vui vẻ giơ cao điện thoại khoe thành quả với thầy giáo. Ảnh: NGUYỆT NHI
Khi người cao tuổi học dùng điện thoại để đặt xe, chuyển tiền, chơi tiktok
Trong hình, cả lớp đang được học cách để sử dụng VNeID – app cung cấp các dịch vụ xác thực điện tử cho người dân. Sau hơn 1 giờ được các tình nguyện viên chỉ dẫn tận tình, nhiều người đã hào hứng khi mình đăng nhập thành công một ứng dụng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lớp học tin học miễn phí, nơi giúp các ông bà làm quen với máy tính, điện thoại.

Bất ngờ khi mẹ biết chơi Tiktok

Đây không phải là lần đầu tiên các cụ tiếp xúc với các app công nghệ khi học dùng điện thoại. Trước đó, nhiều cụ đã được hướng dẫn để tự đặt xe công nghệ, xử lý Capcut, Tiktok, thậm chí là làm thơ bằng AI.

hoc-dung-dien-thoai-5.jpg
Bà Khúc Thị Hằng, 90 tuổi chăm chỉ ghi chép khi học dùng điện thoại thông mình cùng thầy hướng dẫn. Ảnh: NGUYỆT NHI

Là người lớn tuổi nhất lớp, cụ bà Khúc Thị Hằng, 90 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã tham gia lớp học được 5 năm. Để tránh quên bài, mỗi buổi đến lớp, cụ đều nắn nót ghi lại những chi tiết thầy giảng vào giấy rồi thao tác lại trên điện thoại. Với bà Hằng, tham gia lớp học này, tinh thần cụ trở nên thoải mái, vui vẻ hơn. Giờ đây mọi thứ cụ đều tự mình thao tác và cảm thấy đỡ bỡ ngỡ hơn khi dùng điện thoại.

“Từ ngày được các thầy hướng dẫn, tôi đã biết cách chuyển tiền, khi đi đâu tôi cũng có thể tự đặt xe đi mà không phiền đến con cháu” – bà Hằng cười vui, chia sẻ.

Tương tự, bà Phùng Thị Bích Phương (76 tuổi, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, khi xem các video trên Youtube hay Facebook, tôi thường thấy rất nhiều loại quảng cáo về các loại thuốc "thần kỳ" khác nhau, nhưng mua về thì bệnh tình không hề giảm bớt. Nhờ vào lớp học dùng điện thoại, tôi mới biết đó là lừa đảo.

Cùng với đó còn nhiều hình thức lừa đảo trên mạng khác nữa, như cuộc gọi rác, tin nhắn rác… Các bạn tình nguyện ở đây hướng dẫn những cách thức thuận tiện nhất để ông bà chúng tôi dễ dàng nhận biết và cảnh giác nó”.

H1.JPG
Bà Phùng Thị Bích Phương chăm chú học dùng điện thoại. Ảnh: MINH THƯ

Còn với bà Lê Thanh Bình (ngụ quận 10, TP.HCM), được tham gia lớp học dùng điện thoại là một niềm hạnh phúc cho những người lớn tuổi như bà.

“Nhiều khi ở nhà muốn hỏi con cháu nhưng mình sợ phiền vì tuổi già hỏi trước lại quên sau. Khi đến lớp học dùng điện thoại, với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy và sự học hỏi của các bạn cùng lớp tinh thần học hỏi và rào cản đối với tôi dường như tan biến. Một ngày nọ, khi tôi tự dùng điện thoại để làm video trên Tiktok, các con tôi đã bất ngờ vì không biết mẹ học được tự bao giờ” – bà Bình hào hứng nói.

H2.JPG
Ông Trịnh Lạc (68 tuổi, Bình Thạnh) cho biết: “Sau mỗi buổi học dùng điện thoại, sợ mau quên nên cứ về nhà là tôi mở sách vở lại để ôn bài vì những kỹ năng sử dụng mạng xã hội thật sự rất cần thiết với tôi. Con tôi thường đi làm xa, tôi thì không biết nhiều về công nghệ nên không có cách nào để liên lạc. Nhờ lớp học này mà giờ tôi thạo hơn việc sử dụng mạng xã hội để gọi điện, nhắn tin cho con cháu”. Ảnh: MINH THƯ

Hạnh phúc khi được làm tình nguyện viên

Trong lớp học của những ông bà tóc hoa râm, phía cuối lớp cô bé Hoàng Mỹ Tú, 9 tuổi, chăm chỉ ngồi cạnh để chỉ cho bà các thao tác mà thầy Khoa hướng dẫn. Tranh thủ mấy tháng hè, Tú cùng bà đến lớp này để học dùng điện thoại thông minh, những ứng dụng mạng xã hội mà với em nó đã quá quen thuộc.

“Các ứng dụng mạng xã hội thì bà con đã quen dùng, bây giờ con chuyển sang hướng dẫn bà chơi Capcut, làm thơ trên điện thoại” - Tú hào hứng nói.

hoc-dung-dien-thoai-9.jpg
Bé Hoàng Mỹ Tú, 9 tuổi hướng dẫn bà Dung dùng điện thoại. Ngoài ra, em còn nhiệt tình chỉ thêm cho các ông bà cụ trong lớp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bà Trương Thị Mỹ Dung, 70 tuổi vừa nghe thầy nói tới đâu thì cầm điện thoại thao tác ngay trên điện thoại. Chỗ nào không hiểu, bà lại quay sang hỏi lại Tú. “Biết tôi học hay quên, cháu đã xung phong theo đến lớp để làm trợ giảng. Từ ngày có Tú theo học cùng, tôi cảm thấy vui hơn hẳn” – bà Dung chia sẻ.

hoc-dung-dien-thoai-10.jpg
Anh Nguyễn Đăng Khoa hướng dẫn các cụ thao tác trên điện thoại. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đồng hành với lớp học đặc biệt này, anh Nguyễn Đăng Khoa cho biết ban đầu anh là tình nguyện viên dạy sử dụng máy tính cho người cao tuổi, nhận thấy nhu cầu sử dụng smartphone ở họ ngày càng cao nên anh Khoa đề xuất với trung tâm thành lập lớp về smartphone.

Hơn 10 năm nay, lớp vẫn sinh hoạt đều đặn một tháng một lần và hoàn toàn miễn phí.

“Người lớn tuổi rất mau quên vì vậy khi đứng lớp cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và sẵn sàng hỗ trợ giải đáp tất cả thắc mắc để cô chú cảm thấy gần gũi, hướng dẫn cô chú từ những cái nhỏ nhất, đơn giản nhất” – anh Khoa cho hay.

hoc-dung-dien-thoai-11.jpg
Lớp học đặc biệt của các cụ luôn rộn ràng niềm vui. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với anh Khoa, việc rút ngắn khoảng cách giữa người cao tuổi với công nghệ là việc cần thiết để giúp họ tự tin hơn trong thời đại 4.0. Chính vì điều đó, hơn 10 năm nay, lớp học vẫn luôn rộng mở để chào đón các cụ ông, cụ bà. Từ đó, giúp họ cảm thấy bớt cô đơn, muộn phiền, sống vui khỏe, sống có ích.

Tham gia trở thành tình nguyện viên của lớp học, Bùi Tấn Dũng (16 tuổi, học sinh trường THPT Năng Khiếu) tâm sự: “Lúc đầu em cũng có một chút khó khăn trong việc truyền đạt cho cô chú, ông bà. Nhưng sau đó, em học cách kiên nhẫn, tỉ mỉ và tìm nhiều phương pháp dạy bằng hình ảnh thì vấn đề đó đã được cải thiện. Khi cô chú, ông bà hiểu những điều em nói và cảm ơn em, em thật sự rất mừng và hạnh phúc”.

H3.JPG
Tấn Dũng hăng say hướng dẫn cho các cô chú cách sử dụng ứng dụng Zalo. Ảnh: MINH THƯ

Cũng là tình nguyện viên thường xuyên đứng lớp, Đặng Thị Mộng Tuyền (21 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM chia sẻ: “Em tham gia nhờ một lời rủ rê của bạn bè thôi nhưng đến hiện tại, em thấy công việc này rất ý nghĩa. Khi em trình bày cho ông bà, giáo trình phải thể hiện rõ ràng, đơn giản, trực quan nhất.

Từ việc dành nhiều thời gian tận tình hướng dẫn, em dần cảm thấy rất yêu quý ông bà và xem họ cũng giống như ông bà của mình vậy” - Mộng Tuyền thích thú kể.

H4.JPG
Những lần đầu tiên đứng lớp, Tuyền cho biết bản thân run lắm, cứ nói vấp hoài. Nhưng sau đó em dần dần quen, thấy vui và tự hào. Ảnh: MINH THƯ
hoc-dung-dien-thoai-13.jpg
Lớp thường xuyên sẽ tổ chức sinh nhật cho các cụ có ngày sinh trong tháng. Ảnh: NGUYỆT NHI
hoc-dung-dien-thoai-12.jpg
Khi tới lớp ai nấy cũng đều rạng rỡ, nói cười như đang được trở lại thời thanh xuân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Lễ bế giảng lớp tin học tháng 7 sẽ diễn ra chiều 12-8

Sau 12 buổi học, chiều ngày 12-8, lớp học tin học tháng 7 sẽ tổ chức lễ bế giảng. Tổng kết, khóa học này đã tiếp nhận sự hỗ trợ của 06 bạn tình nguyện viên là sinh viên, học sinh và sự tham gia học tập của 20 cụ ông, cụ bà đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.

Các nội dung của lớp học chú trọng vào việc làm quen với máy tính, điện thoại thông minh, cách làm việc với Gmail, mạng xã hội như Facebook, Zalo và các phần mềm chỉnh sửa ảnh trực tuyến miễn phí.

Tại lễ bế giảng, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ sẽ trao giấy chứng nhận và khen thưởng cho các bạn tình nguyện viên, đồng thời tổng kết những nội dung học tập, bài học kinh nghiệm trong những khóa học mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm