Các đạo diễn đến để giúp nông dân ghi lại những cảnh đồng ruộng, cái ao, mái nhà, chái bếp… gắn bó với họ. Những cảnh đó tưởng chừng quen thuộc nhưng khi lên phim thì nông dân nào cũng gật gù “quê mình đẹp quá!”.
Ít ai nghĩ đến cảnh người nông dân sẽ quay phim. Thế nhưng sau vài ngày sống cùng với máy quay và ba đạo diễn trẻ (Tạ Nguyên Hiệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Trịnh Đình Lê Minh), nhiều nông dân Mỹ An đã bắt được những cảnh đẹp của quê nhà, của gia đình họ. Cuối con đường đất hẹp, những nông dân như chú Mười Nên, cô Bảy Ước và cô Năm Sữa cầm máy quay chắc nịch, lia đều ống kính, quay cận, quay xa… “Quay vậy mới bắt được thần thái của người nói” - chú Mười Nên vừa quay vừa giải thích.
Theo nghề nông ở mảnh ruộng quê đã hơn 40 năm, thuộc lòng từ rải sạ, thời tiết, thổ nhưỡng vùng đất nhưng chưa bao giờ chú Bảy Ước thấy quê mình đẹp như những ngày vừa qua. “Tui có 17 công ruộng, hai vợ chồng thường xuyên ngoài đồng nhưng vẫn không ngờ khi mình ghi hình lại thấy quê mình đẹp vậy! Mình cũng từng thấy ruộng đồng trên tivi nhưng khi tui tự quay ruộng nhà tui, vô hình thấy ruộng xanh mướt, đẹp thiệt cà!” - chú Bảy Ước hãnh diện kể.
Đạo diễn trẻ Trịnh Đình Lê Minh đang hướng dẫn chú Mười Nên thực hiện cảnh quay. Ảnh: T.N.HIỆP
Không chỉ từ đồng ruộng, những câu chuyện của bốn hộ nông dân ghi lại trong dự án làm phim còn là chuyện của những gia đình quê, của cuộc sống sau giờ cày cấy. Như gia đình chú Mười Nên sẽ kể câu chuyện của gia đình nông thôn bởi gia đình chú có ba thế hệ sống cùng. Chú Mười Thành sẽ là câu chuyện về chân dung chú, một người quảng giao cao, ham học hỏi và luôn là người kết nối các hộ dân với nhau. Cô Năm Sữa là người cực kỳ lanh lợi khi áp dụng khoa học kỹ thuật cho ruộng; câu chuyện của cô còn là chuyện nhiều gia đình nông hay “cự cãi” khi trong nhà người này áp dụng khoa học kỹ thuật còn người kia quen kiểu làm nông truyền thống. Chú Bảy Ước là câu chuyện lịch sử của vùng đất này từ sau năm 1975 cùng đất cằn khô như thế nào, áp dụng bón phân, đổi nước ra sao để sản lượng tăng...
Còn với chính những người như chú Mười Thành, Mười Nên… thì những cảnh sinh hoạt hằng ngày như con chó vàng luôn quẩn quanh bên cạnh chủ từ nhà ra ruộng, bữa cơm đến chiều muộn đốt đồng; ông gội đầu cho cháu trai dưới gốc mít; bà chải tóc cho cháu gái trước hiên nhà… là những cảnh đẹp một cách lạ lùng. “Cảnh bình thường của nhà tui nhưng khi đưa máy quay lên quay, chiếu vô máy tính thấy đẹp lạ kỳ. Thiệt tình là sau những ngày quay phim này tui không muốn đi đâu ngoài nhà mình, ruộng mình. Thành phố làm chi có cảnh đó mà lên!” - chú Mười Thành nói.
Bốn hộ nông dân ở xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, Long An cùng ba đạo diễn làm bốn bộ phim ngắn (khoảng ba phút/phim) cho dự án Youfarm - Cánh đồng quê tôi. Giữa tháng 6, hai trong số bốn phim sẽ được lựa chọn tham dự cuộc thi làm phim Youfarm - Farm and Family do Tập đoàn Bayer tổ chức trên toàn cầu để có cơ hội có được chuyến du lịch đến Úc và nhận giải thưởng (diễn ra vào tháng 8-2015). Với dự án này, những người nông dân sẽ tự lên kịch bản, đạo diễn và cầm máy quay để thực hiện những phim ngắn về cuộc sống và công việc của họ gắn với ruộng đồng. Chờ xem phim Tôi là người hướng dẫn các bạn đạo diễn đến với các gia đình. Các bạn ở đây một tuần và cùng với bốn hộ dân ở đây quay cuộc sống nông dân Mỹ An. Đây là cách làm rất mới cho người nông dân. Nào giờ ngay cả tôi cũng không quen việc quay phim nên khi các công đoạn làm nông được quay lại không chỉ là cảnh đẹp đơn thuần mà là cách giúp người dân thấy rõ hơn công việc quen thuộc của họ. Tôi rất chờ đợi những bộ phim này. Ông ĐOÀN VĂN TRỌN, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, Long An |