Khi sinh viên y khoa học môn… giải phẫu học

Đây là bài viết của bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga, bệnh viện Tim TPHCM được chị chia sẻ trên facebook của mình. Bài viết nhận được rất nhiều sự thích thú, ngưỡng mộ từ mọi người và được chia sẻ lại nhiều trên mạng xã hội. PLO xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết để mọi người cùng hiểu thêm một góc nhỏ trong quá trình học hành đầy chông gai, thú vị nhưng cũng đầy nhiệt huyết của các bác sĩ ngày ấy…
Bài viết mở đầu bằng "Để nhớ một thời ta đã yêu!"
"Sau màn lăn lê bò toài một tháng trời ròng rã học quân sự ở công viên Gia Định hoang vu đầy kim tiêm ống chích, chúng tôi bắt đầu về lại giảng đường để bắt tay vào cái bỡ ngỡ, sợ sệt và khó nuốt nhất mà các anh chị đi trước đã truyền tai: học môn giải phẫu học!
Có lẽ, khoá tôi là khoá cuối cùng được học với GS Nguyễn Quang Quyền, người thầy tài năng lỗi lạc, uyên bác khôn cùng. Thầy có cái cách giảng bài có một không hai trên đời này là chỉ với một cục phấn trắng, một hộp sọ người thật nhưng cả đại giảng đường vẫn im phăng phắc nuốt từng lời giảng của thầy!
Hồi hộp, chờ đợi sau nhiều ngày học lý thuyết, rồi cũng đến giờ thực tập. Chúng tôi chia làm nhiều tổ, tập trung trước phòng thực tập giải phẫu, nơi mà một lát nữa thôi, chúng tôi sẽ tiếp xúc trực tiếp với xác chết lần đầu tiên trong đời. Các thầy dặn dò học sinh phải luôn tôn trọng người đã khuất, phải nghiêm túc, không đùa giỡn khi học bộ môn này...

Khi sinh viên y khoa học môn… giải phẫu học ảnh 1
Phòng thực tập nơi các sinh viên y khoa đang thực hành môn giải phẫu học 

Cánh cửa phòng mở ra, bên trong có khoảng 50 chiếc thùng kim loại đặc biệt (như trong hình) với mùi formone nồng nặc đủ làm khiếp đảm những cô nàng yếu bóng vía... Các bạn nam sinh bao giờ cũng là người hiên ngang đi trước. Những bước chân rụt rè, bỡ ngỡ xen lẫn sợ sệt của các sinh viên lần lượt bước vào.
Ngày đó, chúng tôi thậm chí chẳng hề có găng tay cao su như bây giờ, có lẽ do mắc tiền?!
Tôi nhớ tất cả các thi hài đều được các thầy phẫu tích rất chính xác và đẹp đẽ, từng sợi thần kinh, mạch máu, bó cơ...từ nơi nguyên uỷ về nơi bám tận, học sinh chỉ việc nhìn, sờ, lần theo đó mà học, thật nhẹ nhàng!
Tôi không quên được cái lần đầu tiên khi chạm vào làn da, thớ thịt của những người đã hiến thân cho khoa học ấy, có chút gì thiêng liêng, kính sợ. Ngày đầu tiên chúng tôi học trong yên lặng với bao nhiêu suy nghĩ ngổn ngang trong đầu.
Chiều, khi về KTX, việc đầu tiên mà tôi làm chính là ôm... thau đồ đi giặt, những mong với mùi xà bông và quá trình chà xát, cái " hương" formone sẽ bay đi, nhưng không thể. Tôi cố lấy chanh, xác trà để tẩy những cũng thật vô ích. Cái mùi ấy ám theo tôi đến vài ngày sau đó mới quen dần.
Thi hài mà nhóm tôi được học là một người nam, có lẽ ông ra đi trong đau đớn, nét mặt vẫn còn nguyên biểu hiện, tôi không quên được.
Ngày thi, chúng tôi phải chạy giữa những dãy bàn để xác, trên đó là những câu hỏi được treo sẵn, mỗi câu hỏi chỉ trong vòng 25 giây đọc và trả lời, nhịp nhàng theo tiếng chuông reo. Gặp những câu khó, đọc xong đề, chưa kịp nhìn đến bộ phận được hỏi để xác định rồi viết câu trả lời vào giấy, chúng tôi lại phải tiếp tục chạy, rồi chạy… Vì thế, bộ môn giải phẫu là một trong những bộ môn " sát thủ" của sinh viên y khoa trong tất cả mọi thời kỳ, tôi tin là như thế.
Đến nay, tròn 20 năm nhìn lại, tôi vẫn thấy yêu sao cái thời cơ cực ấy, vẫn nhớ về bộ môn căn bản vỡ lòng của mọi sinh viên y khoa mà nếu không có nó, nhất định không ai có thể trở thành một bác sĩ thực thụ được.
Và tôi vẫn nhớ Thầy Quyền, một tay cầm hộp sọ, một tay là viên phấn trắng với những nét vẽ tuyệt vời, chính xác, câu hỏi ở cửa miệng thầy mỗi khi đến giờ giải lao là: "thầy giảng thế các con có hiểu không? không rõ chỗ nào thì nói thầy giảng lại nhé!" Thầy là người thầy mà tài năng sẽ mãi mãi sống trong tim bao thế hệ học trò!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm