Sáng 22-1, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổ chức hội thảo giáo dục trực tuyến: “Muôn mặt bạo hành - Giúp trẻ em nhận biết và tự bảo vệ mình”.
Hội thảo có sự tham gia của luật sư Đinh Thị Quỳnh Như (Đoàn Luật sư TP.HCM), chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều kỳ vọng cộng đồng ngày càng nâng cao nhận thức về bảo vệ, phòng chống bạo hành trẻ em, tuân thủ các quy định pháp luật về quyền trẻ em.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Bắt đầu hội thảo, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng cần có những biện pháp phòng, ngừa chuyện cho trẻ em trước vấn đề bạo hành.
Theo nữ chuyên gia, các phụ huynh không nên trực tiếp nói hoặc cho con xem các thông tin về bạo hành mà hãy giáo dục con về tình yêu thương và dấu hiệu của tình yêu thương.
“Chúng ta nên dạy trẻ cách lan tỏa yêu thương. Từ đó, chúng ta giúp trẻ phân biệt đâu là hành động yêu thương, đâu là dấu hiệu bạo hành. Cha mẹ hãy nói với con là không ai được đụng đến cơ thể của con, kể cả người thân nhất” - nữ chuyên gia bày tỏ.
Trẻ nhỏ thường có tâm lý ngại từ chối người khác, đặc biệt là với bạn bè hoặc những người hơn tuổi vì sợ bị ghét, sợ bị cô lập và tâm lý non yếu, dễ hoảng sợ khi bị người khác dọa nạt. Tất cả yếu tố đó khiến trẻ trở thành đối tượng lý tưởng cho kẻ xấu thực hiện hành vi đồi bại.
Vì lý do này, bố mẹ nên dạy trẻ cách phản ứng, giao tiếp phù hợp để có thể thoát khỏi các tình huống bất lợi. Bố mẹ có thể đưa ra các tình huống giả định và hỏi xem cách xử lý của trẻ là gì, sau đó hãy hướng dẫn cho con cách xử lý tốt nhất.
Tiếp lời, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như cho rằng phụ huynh và nhà trường nên giáo dục cho trẻ những địa chỉ đáng tin cậy để trẻ nói về việc bạo hành, đặc biệt là khi trẻ bị chính cha mẹ bạo hành. Đồng thời cần tạo cho trẻ tâm lý tin tưởng, an tâm và thoải mái khi nói về vấn đề bạo hành.
“Nhiều cha, mẹ vì áp lực công việc nên đã không quan tâm, phớt lờ các chia sẻ của con khi con bị bạo hành bằng câu: “Không sao đâu con”. Câu nói này lâu dần làm trẻ không nhận biết được các mối nguy hiểm và mất niềm tin vào cha mẹ” - luật sư Quỳnh Như bày tỏ.
Luật sư Quỳnh Như cũng chỉ ra ba dấu hiệu pháp lý về hành vi xâm hại trẻ em. Theo đó, xâm hại trẻ em trước nhất thể hiện qua việc bạo lực về thể chất, tinh thần lên trẻ em. Hành vi bạo lực không chỉ là đánh trẻ mà còn là những lời nói, cử chỉ của người lớn làm ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.
Một dấu hiệu nữa là hành vi bóc lột trẻ em, ép buộc trẻ em làm những công việc vượt quá sự phát triển về thể chất, nhận thức của trẻ.
Cuối cùng là hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và nặng hơn là xâm hại tình dục trẻ em. Luật sư Quỳnh như chỉ rõ việc bỏ rơi, bỏ mặc trẻ không chỉ là việc đưa trẻ ra khỏi nhà hay nơi cư trú an toàn mà hơn hết là cha mẹ không cho trẻ điểm tựa tinh thần khi trẻ gặp nguy hiểm, lo lắng, sợ hãi.
“Rất nhiều phụ huynh đã vô tình phạm phải các dấu hiệu trên trong quá trình chăm sóc, giáo dục con. Vì vậy, không chỉ dạy cho trẻ kỹ năng phân biệt hành vi bạo hành mà cả cha mẹ cũng cần biết các hành vi này để tránh gây tổn thương cho con” - nữ luật sư nhấn mạnh.