Mấy ngày nay, dư luận xôn xao chuyện chị bán thịt heo trúng xổ số điện toán (Jackpot) giải độc đắc 92 tỉ đồng. Lên mạng xã hội, đâu đâu cũng chia sẻ thông tin về người phụ nữ may mắn này. Thú thực mừng cho chị mà cũng lo cho chị.
Tôi nhớ năm ngoái, câu chuyện “tỉ phú ve chai” Huỳnh Thị Ánh Hồng (quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM) từng gây chú ý thời gian dài. Vợ chồng chị mua được chiếc loa cũ với giá 100.000 đồng nhưng không ngờ bên trong có chứa 5 triệu yen tiền Nhật (gần 1 tỉ đồng). Thời điểm ấy, tiếp chúng tôi trong căn nhà trọ chật chội, dù cố gượng cười nhưng chị Hồng không giấu được sự mệt mỏi: “Giờ tôi gần như kiệt sức rồi”, nói đến đây mắt chị đỏ hoe.
Không kiệt sức sao được! Những ngày đầu chị Hồng mới bắt gặp “thùng tiền Nhật”, những người tận đẩu tận đâu ùa về, đổ xô chật cứng căn phòng trọ nhỏ. Họ xô đẩy nhau xin chia phần. Có người ngồi lì ở nhà chị từ sáng đến trưa không chịu về vì… chưa xin được tiền. Lạ hơn, người không được chia phần thì bĩu môi rủa: “Có lộc trời, không chia sẻ sẽ bị báo ứng”. Có dạo sợ quá, chị Hồng phải tìm đến nơi khác lánh mặt, cả số điện thoại cũng tắt nốt vì nhận quá nhiều cuộc gọi làm phiền.
Nhiều người vây quanh nhà chị Huỳnh Thị Ánh Hồng khi hay tin chị nhặt được 5 triệu yen Nhật. Ảnh tư liệu
Tôi vẫn nhớ như in lá thư của người đàn ông lạ mặt gửi cho chị vào cuối tháng 4-2015. Phong bì kẹp 5 triệu đồng (chị Hồng trả lại tiền, chỉ nhận thư) cùng lời lẽ thống thiết đại ý: Cần trả lại tiền cho Nhật Bản, nhằm xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thông qua con người lao động cần cù và lương thiện… Cuối cùng, người viết bức thư này mong muốn chị Hồng… đưa toàn bộ số tiền cho ông ta để ông ta trả lại cho người Nhật (?).
Ngay sát phòng trọ của tôi, một cô bạn có mẹ từng trúng xổ số 100 triệu đồng. Cô bạn kể nhà chẳng khá giả gì, hồi đó bạn tôi phải đi xe đạp, nhờ số tiền trúng thưởng mà khi bạn lên đại học, người mẹ mới có tiền mua cái xe máy hiện nay bạn tôi đang đi. Chuyện trúng số không kể với ai, mẹ bạn tôi có cho con cháu trong nhà mỗi người vài trăm ngàn lấy may và trích phần nhỏ lên chùa làm từ thiện. Nhưng rồi một người bà con không hiểu sao biết chuyện, xồng xộc đến đòi chia phần, rằng phải cho 4 triệu đồng mới chịu đi vì “thấy trúng nên xin, có lộc trời cùng hưởng”. Người phụ nữ ấy cứ kỳ kèo riết, gia đình chịu không thấu, đành phải chi. Nhận tiền xong, bà ta cười hỉ hả: “Nếu trúng giải độc đắc thì chia cho con tôi 200 triệu đồng, tôi 150 triệu đồng, cả nhà giữ lại khoảng 1 tỉ đồng là được rồi”.
Cận tết năm 2014, vợ chồng ông Huỳnh Thanh Dũng (huyện Thủ Thừa, Long An) trúng số độc đắc. Báo chí đưa tin ông Dũng cũng xính vính với người tìm đến xin tiền. Bất kể đang mùng 1, mùng 2 tết, người người lũ lượt đứng trước nhà ông Dũng vạ vật, thậm chí quỳ lạy, khóc lóc…
Ô hay, sao có những người lì lợm vậy! May mắn là của người ta, người ta đâu có nghĩa vụ phải chia phần? Tôi không hiểu tại sao những người có sức khỏe, có chân tay lành lặn lại không lo làm ăn, lao động kiếm tiền mà chỉ chờ chực đu bám nhà người ta xin tiền.
Mong người phụ nữ vừa trúng số 92 tỉ đồng không phải gặp những người ham tiền bất chấp danh dự ấy!
GS-TS Vũ Gia Hiền, Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM: Ngửa tay xin, sao không biết nhục! Trước hết, những người chỉ chờ chực đến ngửa tay xin tiền là những người thiếu lòng tự trọng, sĩ diện. Kể cả đó là người thân cũng không nên có hành vi bất nhã như vậy. Hành vi này có nét tương đồng với những người thường đứng ở các cây xăng nài ép, cù nhầy để xin tiền những người đến đổ xăng. Suy xét kỹ thì họ còn tệ hơn những người ăn xin vì ngày xưa ăn xin là vì bần cùng, khổ sở, không biết bám víu vào đâu mới phải muối mặt, chứ những người này tay chân lành lặn, lao động được, ngửa tay xin mà sao không biết nhục! Xã hội cổ xưa chưa có những tổ chức từ thiện hay trung tâm bảo trợ xã hội như bây giờ nên những người khổ quá, đói quá mới đành đi ăn xin. Xã hội bây giờ đâu đến mức như vậy, ngoài các tổ chức xã hội giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, cơ hội tìm việc cũng đa dạng hơn. Bởi vậy việc những người chỉ biết ngửa tay xin tiền trước hết xuất phát từ việc lười lao động, chỉ muốn hưởng thụ. Họ nghĩ rằng những người gặp may mắn phải có nghĩa vụ chia sẻ và họ có quyền được ăn chia phần may mắn đó. Đó là may mắn của người ta, anh có tư cách gì mà đòi? Thứ hai, đó là những người thiếu lòng tự trọng, tự tôn. Thứ ba, ấy là tâm lý thực dụng, ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Khi không có lòng tự trọng, không tự nỗ lực vươn lên mà chỉ biết xin xỏ, anh ta sẽ luôn bé nhỏ, co cụm, không bao giờ ngóc đầu lên được. Suy nghĩ ăn bám, thiếu tự trọng đó sẽ là tấm gương xấu cho con cháu. N.TRÀ ghi “Sao cho nó nhiều hơn cho tui?” Ba năm trước, bác Hai - bạn của mẹ tôi trúng vé số tổng giá trị 9 tỉ đồng. Bác dùng một phần tiền làm từ thiện, còn lại mua sắm, xây nhà. Vẫn còn tiền, bác Hai thôi đời nông dân, ruộng đất cho người này người kia hết, sinh tật đỏ đen, đá gà. Những người con của bác từ yêu thương nhau vô cùng, trong chớp mắt mất đi tình anh em, “kênh” nhau ai được cho nhiều cho ít. Rồi lần lượt những món đồ quý giá mà bác Hai mua sắm ra đi để ăn uống, trả nợ; một số món bị con cái lén lấy trộm… Cho đến một ngày căn nhà trống hoác. Sáng, bác Hai qua nhà con út xin ăn nhờ bữa cơm, bị con gái bóng gió: “Cho ông/bà kia nhiều hơn sao không qua nhà họ ăn?”. Bác đến nhà “ông/bà kia” thì được nghe: “Con út được cho sắm chiếc SH chứ tui có gì đâu”. Bác Hai cay đắng bỏ lên TP xin bán vé số. Nhưng cái ngạc nhiên của thiên hạ: “Ủa, ông từng là đại gia mà?” khiến bác không ngẩng đầu lên nổi để mời khách mua vé số. Một sáng, người ta vớt xác bác trên con sông Bàn Thạch. Bác ra đi chỉ với chiếc quần đùi trên người… TD (Phú Yên) |