(PLO)- Ngày 8-6, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP đã có buổi giám sát Sở TNMT về việc quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn TP. Nhiều ý kiến bức xúc trước việc đất công bị sử dụng sai mục đích, bị lấn chiếm, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực đất đai của TP trong bối cảnh các dự án BT bế tắc vì không có quỹ đất đối ứng.
Khu đất khu đất rộng 1.700 m2 ngay mặt tiền đường Võ Văn Tần (Q.3) hiện do Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV quản lý và sử dụng nhưng đã bỏ hoang mấy năm nay. Trước đó, khu đất này được Tổng công ty này giao lại cho Trường Công nghệ thông tin Sài Gòn, sau đó sử dụng kinh doanh bãi giữ xe và đến nay khu đất được quây rào lại rồi bỏ hoang.
Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP, hiện nay rất nhiều quỹ đất công của TP đang cho các doanh nghiệp thuê bị xử dụng lãng phí, nhiều nơi bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích. Nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép. Thậm chí có những nơi doanh nghiệp đã tự ý cắt đất giao cho cán bộ, công chức.
Theo ông Lực, lẽ ra, doanh nghiệp phải tự di dời các hộ dân nhưng thực tế không đơn vị nào thực hiện, dẫn đến việc nhà nước không thu hồi được đất. “Nhiều doanh nghiệp hết hạn thuê đất hoặc sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi đất nhưng đa số không thực thi quyết định thu hồi nên công tác thu hồi đất công bị kéo dài nhiều năm. Khi TP ra quyết định thu hồi thì nơi đây chây ỳ, đùn đẩy trách nhiệm cho TP mà không hợp tác thu hồi. Để thu hồi các quỹ đất này, TP lại một lần nữa phải bỏ tiền ra đền bù giải phóng mặt bằng”, ông Lực nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT, cũng cho rằng, việc thu hồi đất công hiện nay cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nơi đã tự ý lấy đất công chia cho cán bộ, công chức. Một bất cập nữa, theo ông Thắng là hiện nay các đơn vị quản lý đất đều có thể đấu giá đất, do đó, ông Thắng cho rằng, nên tập trung về một đầu mối thực hiện đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, tránh tình trạng thất thoát.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất, tính đến cuối năm 2016 đơn vị này đang lập thủ tịch đấu giá, thu hồi 108 khu đất, với tổng diện tích hơn 213 ha. Tuy nhiên, đến nay mới thu hồi và tiếp nhận được 88 khu đất với diện tích hơn 204 ha còn 21 khu đất với diện tích hơn 8,2 ha đang xử lý thu hồi. “Những khu đất này sau khi tiếp nhận sẽ được đem đấu giá, làm quỹ đất đối ứng cho các dự án BT… Đối với những khu đất chưa sử dụng, được Trung tâm phát triển quỹ đất TP khai thác tạm bằng cách cho thuê làm bãi đậu xe, kinh doanh…”, ông Lực thông tin.
Sở Tài chính, đối với các đơn vị đang thuê đất công, nếu sử dụng đúng mục đích thì cho tiếp tục sử dụng còn không sẽ thu hồi, thực hiện sắp xếp theo Quyết định 09 hoặc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý. Đối với các quỹ đất mà đơn vị quản lý cắt giao cho cán bộ công chức ở nay nhà nước thu hồi nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện thì TP yêu cầu chuyển giao nguyên trạng về để xử lý theo quy định của pháp luật. Để tạo quỹ đất đối ứng cho các dự án BT, nếu mặt bằng nào sử dụng không hiệu quả như của Tổng công ty Lương Thực, Tổng công ty Thép... thuộc đơn vị Trung ương TP sẽ làm việc với các Bộ ngành để thu hồi giao lại cho TP quản lý. Hiện Bộ Tài chính đã chấp thuận quan điểm này”, Sở Tài chính cho biết.
Trước thực trạng đất công đang bị quản lý lỏng lẻo, bị chảy máu đất công mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dừng lại việc chuyển đổi đất công, tập trung rà soát lại quỹ đất. Tại TP.HCM, hàng loạt giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế việc “chảy máu” đất công, đưa đất vào khai thác nhằm tránh lãng phí quỹ đất. Cụ thể, TP đã mạnh tay thu hồi lại các quỹ đất công đang bị các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp của nhà nước sử dụng hoang phí. Thậm chí UBND TP còn yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý đất đai của UBND cấp huyện xã, sở ngành, nhất là trong việc sử dụng đất công; thu hồi các công sở sử dụng không đúng mục đích.